Cơ hội từ nghề báo
Sau gần một tháng thông báo, Ban tổ chức Tuần lễ sách của người làm báo đã nhận được 281 tựa sách (291 cuốn), trong đó: 55 tác phẩm của 7 cơ quan báo chí và 226 tác phẩm (236 cuốn) của 105 phóng viên, 15 nhóm tác giả đã và đang công tác tại 27 cơ quan báo chí. Dẫu chưa thật đầy đủ, nhưng tuần lễ sách cũng đã góp phần cho bạn đọc thấy được diện mạo từ dòng sách của các nhà báo.
Đặc biệt, trong số này, nhiều tác phẩm đã được vinh danh tại các giải thưởng uy tín. Có thể kể đến bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa của nhà báo Lại Văn Long (Báo Công an TPHCM, giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV 2017-2020); tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến của nhà báo Lê Minh Quốc (Báo Phụ nữ TPHCM, giải C - Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020); trường ca Những ngọn khói về trời của nhà báo Bùi Phan Thảo (Báo Người Lao động, giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2022); truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa của nhà báo Bùi Tiểu Quyên (Báo Phụ nữ TPHCM, giải C - Giải thưởng Sách quốc gia 2022)…
Điều dễ nhận thấy là mối quan hệ mật thiết giữa nghề văn và nghề báo, đó là nghề báo là cơ hội để các tác giả làm giàu thêm những trang văn của mình. Nhà báo Lại Văn Long chia sẻ: “Chính nhờ làm báo, tôi có được những vụ án, tình huống thật làm chất liệu cho tiểu thuyết của mình. Khi đó, tác phẩm thực và thuyết phục hơn rất nhiều so với những gì viết hoàn toàn bằng tưởng tượng hoặc tham khảo từ nguồn tư liệu nào đó, chứ không phải từ chứng kiến thực tế”.
Còn nhà văn Bùi Tiểu Quyên thì cho rằng, các tác phẩm văn học chính là “quả ngọt” mà nghề báo mang lại. “Với nghề báo, tôi thực sự biết ơn, trân trọng. Nghề báo đã cho tôi cơ hội được đi đến nhiều nơi mà nếu không làm nghề sẽ khó có cơ hội, như Trường Sa chẳng hạn. Đó là nhân duyên dẫn lối cho tôi đến với văn chương một cách giàu chất liệu hơn, thêm nhiều trải nghiệm và nhiều cảm xúc hơn”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên tâm sự.
Tiềm năng cho xuất bản
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chính nội dung tác phẩm làm nên sự độc đáo của sách do các nhà báo sáng tác. “Trong quá trình làm nghề, đi tác nghiệp nói chung, họ tiếp cận với đời sống thông qua việc tiếp xúc với những con người, tài liệu; tiếp xúc với những sự kiện chính trị, thời sự. Do đó, dù thể hiện dưới dạng thể loại nào thì tác phẩm của nhà báo cũng đều ngồn ngộn tính thời sự và giàu chất đời sống. Đây chính là lợi thế của các nhà báo”, ông Lê Hoàng phát biểu.
Tại Tuần lễ sách của người làm báo năm nay, NXB Tổng hợp TPHCM góp mặt khoảng 40 đầu sách của gần 40 tác giả là các nhà báo. Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, cho rằng, tuần lễ là sân chơi tạo cảm hứng và sự kết nối giữa xuất bản và báo chí, cho độc giả của hai lĩnh vực biết rằng, nguồn bản thảo, những cuốn sách và các tác giả rất phong phú, và đây là một trong những nguồn như vậy.
Bà Thủy phân tích: “Ở các nhà báo, trước hết họ là cây bút của những bài báo đơn lẻ, các đơn vị xuất bản biết khai thác theo chủ đề, có thể tạo ra được những bản thảo theo những chủ đề khác nhau. Ngoài ra, nếu biết xâu chuỗi các bài viết của một tác giả, có thể đi theo tuyến thời gian, hoặc mảng họ viết thì cũng có thể tạo ra bản thảo đặc sắc cho riêng NXB của mình”.
“Những cuốn sách do các nhà báo sáng tác mang đến cho người đọc những hơi thở của cuộc sống, những vấn đề mang tính thời đại, kể cả nhịp độ cuộc sống cũng mạnh mẽ hơn, thể hiện một cách rõ ràng. Thành ra, những người làm báo đã góp phần làm nên sự đa dạng trong thế giới sách”, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ.