Độc đáo quảng trường trung tâm tương lai của Đà Nẵng

Tháng 6-2017, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức trao giải cuộc thi tuyển chọn phương án quy hoạch và thiết kế kiến trúc quảng trường trung tâm Đà Nẵng. 
Các phương án thiết kế Quảng trường trung tâm TP Đà Nẵng
Các phương án thiết kế Quảng trường trung tâm TP Đà Nẵng

Với những phương án đạt giải, có thể hình dung ra một diện mạo đô thị Đà Nẵng độc đáo với điểm nhấn kiến trúc của trái tim đô thị.

 Độc đáo những phương án

Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, công trình Quảng trường trung tâm được xác định trong quy hoạch từ sau khi TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, trong một thời gian dài chính quyền thành phố phải thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển đô thị đối với các dự án, công trình cấp bách, đáp ứng ngay sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nên đến bây giờ mới bắt đầu triển khai.

Độc đáo quảng trường trung tâm tương lai của Đà Nẵng ảnh 1 Các phương án thiết kế Quảng trường trung tâm TP Đà Nẵng
Bước đi đầu tiên là thi tuyển nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế quy hoạch, kiến trúc tối ưu nhất cho Quảng trường trung tâm, tạo vẻ đẹp đặc sắc, hài hòa trong tổng thể khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng trong tương lai.

Khu vực quy hoạch Quảng trường có ranh giới thuộc phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) với tổng diện tích đất nghiên cứu khoảng 4,4ha; giới hạn về phía đông giáp đường Bạch Đằng, phía tây giáp đường Phan Châu Trinh, phía nam giáp đường Nguyễn Thái Học, phía bắc giáp đường Hùng Vương.

Các phương án quy hoạch và kiến trúc Quảng trường trung tâm dự thi có điểm chung với việc xác định rõ 4 khu vực Quảng trường gồm: khu vực phía trước Nhà hát Trưng Vương, khu vực trước dự án khu phức hợp Viễn Đông Merdian Tower phía bắc và dự án Danang Square phía nam, khu vực chợ Hàn và khu vực tiếp giáp sông Hàn.

 Về tổ chức kiến trúc cảnh quan, dù mỗi phương án thiết kế có nét riêng nhưng điểm chung là tổ chức không gian cảnh quan kết hợp giữa quảng trường với công viên, tuyến phố. Điểm khác biệt cho từng phương án quy hoạch kiến trúc Quảng trường trung tâm là giải bài toán xử lý tổ chức hạ tầng giao thông, hạ tầng công trình ngầm và chợ Hàn.

 Nhiều hình mẫu quảng trường nổi tiếng trên thế giới như Quảng trường Concorde bên dòng sông Seine (Paris, Pháp) hay như đại lộ Nguyễn Huệ (TPHCM) được một số đơn vị tư vấn thiết kế làm hệ quy chiếu.

 Phác thảo phiên bản một: Quảng trường trung tâm là một lát cắt kết cấu phẳng từ bờ sông Hàn lấy điểm đóng là Nhà hát Trưng Vương, công trình chợ Hàn được ngầm hóa. Hình thành 2 trục tuyến phố thương mại ven đường Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Tạo công trình điểm nhấn kiến trúc phía bờ sông, xử lý hạ tầng giao thông trục ngang theo hướng đa năng (đóng/mở) cùng với tổ chức giao thông hướng ngoại, đảo chiều…

Phác thảo phiên bản hai: Quảng trường trung tâm như phiên bản một nhưng xử lý ngầm hóa các tuyến đường giao thông trục ngang, ngầm hóa chợ Hàn. Phương án quy hoạch kiến trúc Quảng trường theo hướng này sẽ tăng mặt bằng đất hiện trạng, kết hợp diện tích mặt nước, nền đường từ các ô phố phụ cận… sẽ tăng diện tích quảng trường lên 1,1ha. Việc mở rộng quảng trường ở các tuyến phố phụ cận hình thành những khu phố đi bộ, phố chuyên doanh hỗ trợ cho khu vực trung tâm.  

Phác thảo phiên bản ba: Quảng trường trung tâm khá thú vị với việc tổ chức không gian tương tự phiên bản hai nhưng giữ được công trình truyền thống chợ Hàn. Chợ Hàn được giữ nguyên bản, đầu tư xây dựng mới theo hướng mở rộng. Mái ngang chợ Hàn là một ban-công lớn của thành phố để ngắm nhìn sông Hàn và toàn cảnh quảng trường.

Các thiết kế bổ trợ có các cầu vượt kết nối không gian từ bờ sông vượt qua các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú và Yên Bái.

 Đã có phương án giải phóng mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: “Điểm nhấn đặc biệt về mặt kiến trúc cho TP.Đà Nẵng sau khi hình thành quảng trường trung tâm là hình thành không gian sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu nhất của thành phố với các chức năng, như: nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa; tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị và các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố cũng như du khách…là hình ảnh đại diện cho kiến trúc đô thị Đà Nẵng”.

Cũng theo ông Hùng, phương án giải tỏa đền bù khi triển khai xây dựng quảng trường đã được hình thành. Cụ thể, theo hồ sơ hợp đồng thuê nhà hiện nay do Công ty Quản lý nhà đang quản lý thì khu vực nằm trong dự án Quảng trường trung tâm thành phố hiện có 38 hộ dân (35 hộ ký hợp đồng thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước và 3 hộ sử dụng ở không ký hợp đồng thuê nhà) và 3 cơ quan, đơn vị thuê nhà.

Để giải quyết di dời, giải tỏa thực hiện dự án sẽ cho phép thu hồi toàn bộ nhà, đất của 38 hộ dân và 3 cơ quan đơn vị thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu.

 Về hỗ trợ đền bù, UBND thành phố giao Sở TN-MT tính toán mức hỗ trợ đền bù theo quy định hiện hành. Công ty Quản lý nhà có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm định, tính toán mức hỗ trợ cho các hộ dân đang ký hợp đồng thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước với công ty theo quy định. Về bố trí tái định cư, dự kiến UBND TP sẽ bố trí một số khu đất trên địa bàn quận Hải Châu, Sơn Trà để bố trí tái định cư.

Ông Hùng cho biết thêm, với 3 phương án kiến trúc đạt giải, Sở Xây dựng đã tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố. “Ngày 26-6-2017, UBND TP đã ban hành công văn số 4702/UBND-QLTh chỉ đạo thành lập tổ công tác để nghiên cứu chọn lọc tổng hợp các ý tưởng tốt nhất của các phương án dự thi thành phương án tổng thể hoàn chỉnh phù hợp nhất với cảnh quan và môi trường cũng như điều kiện thành phố làm cơ sở triển khai”, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay.

Tin cùng chuyên mục