Độc đáo lễ hội đền Lê Khôi

Lễ hội đền Lê Khôi được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tháng 5 âm lịch hàng năm. Vào chiều hoặc tối mùng 1 ở đây thường xuất hiện một trận mưa, để chuẩn bị cho ngày hội đền.
Từ ngày 26 đến 28-5, đông đảo người dân thập phương đã về dự lễ hội đền Lê Khôi tại núi Nam Giới ở vùng biển Cửa Sót
Từ ngày 26 đến 28-5, đông đảo người dân thập phương đã về dự lễ hội đền Lê Khôi tại núi Nam Giới ở vùng biển Cửa Sót

Từ hàng trăm năm nay lễ hội đền Lê Khôi trên núi Long Ngâm, thuộc dãy núi Nam Giới ở vùng biển Cửa Sót đã trở thành một hoạt động, nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của người dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển Thạch Bàn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) và xã Thạch Kim, Mai Phụ (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh)...

Giữ gìn nét đẹp lễ hội xưa

Lễ hội đền Lê Khôi được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tháng 5 âm lịch hàng năm. Vào chiều hoặc tối mùng 1 ở vùng núi Nam Giới thường xuất hiện một trận mưa, người dân trong vùng nói với nhau rằng đó là mưa "dội tượng", mưa "rửa đền" để chuẩn bị cho ngày hội đền đón du khách thập phương.

Độc đáo lễ hội đền Lê Khôi ảnh 1 Người dân mua vé đi tàu xuất phát từ cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh để vượt biển sang đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi ở núi Nam Giới
Trước khi diễn ra phần chính lễ ở đền Lê Khôi thì tại đền Vọng (xã Thạch Kim) và đền Vọng Mai Lâm (xã Mai Phụ) đều có lễ tế kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Sau đó sẽ tổ chức đoàn rước kiệu từ xã Mai Phụ, xã Thạch Kim, xã Thạch Bàn (sau này có thêm xã Thạch Hải) ra các đền Vọng. Rồi từ các đền Vọng, đoàn rước xuống thuyền đi trên biển khoảng 3-5km ra đền chính, còn đoàn rước xã Thạch Hải thì đi bằng đường bộ. Để lễ rước long trọng, các làng (mỗi xã là một làng) phải chọn ra 2 vị cao niên mẫu mực nhất dẫn đường, đặc biệt từ ngày mùng 1 hầu hết người dân các làng ngừng công việc làm ăn để đi dự hội vì thế đoàn rước rất đông.
Theo Ban quản lý đền Lê Khôi: Lễ hội đền Lê Khôi đã tồn tại hơn 500 năm và đến nay vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trong lễ hội, lễ rước kiệu được chuẩn bị công phu, mỗi đoàn rước có hơn 100 người, đi bằng 5-7 thuyền/đoàn và đều được trang trí cờ hoa. Trong đoàn, nữ giới mặc áo dài, đầu đội khăn xếp. Nam giới mặc quần áo binh lính màu vàng có chỉ nẹp giải đỏ, đội nón gõ sơn (gỗ gõ ghép thành nón, phết sơn), mang kiếm, đao, chùy, giáo đi đầu đoàn rước. Nữ giới đội mâm trầu cau, hoa quả; nam giới gánh kiệu, trong đó có 2 người mang kiếm ngũ sự, những người có tang không được tham gia rước kiệu. Trong đoàn rước còn có phường bát âm nhạc lễ, tàn, lọng, cờ, đồ tế khí… Thuyền của dân làng lân cận và ngư dân các nơi thường ra vào Cửa Sót và đoàn thuyền rồng tham gia thi bơi cũng tham gia đoàn rước.
Độc đáo lễ hội đền Lê Khôi ảnh 2 Các đoàn rước kiệu từ các đền Vọng về trước đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi
Trước khi về đến cổng đền chính Lê Khôi, mỗi đoàn rước vòng đi vòng lại trước cửa đền nhiều vòng để xin ngư ông rồi mới cho thuyền cập bến. Sau đó, từ rước thuyền chuyển xuống rước bộ cách đền chính khoảng 500m, lúc này ai cũng tự ý thức rẽ sang 2 bên nhường đường cho đoàn rước. Một không khí hết sức trang nghiêm, linh thiêng bao trùm cả khu đền. Lễ tế của 4 làng về cơ bản là giống nhau, nhưng sau mỗi đoàn rước lên bờ là tất cả mọi người lại háo hức chờ đợi đoàn thuyền khác. Đến khoảng 12 giờ trưa đoàn rước cuối cùng mới ra tới đền chính. Sau khi các làng đều đã dâng lễ vật (lễ vật bao giờ cũng có cá gắn với không gian cư trú của ngư dân vùng biển) lên thượng điện, ban tổ chức tiến hành lễ tế giỗ chính thức. Song song với lễ tế là các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, hấp dẫn, sinh động.
Độc đáo lễ hội đền Lê Khôi ảnh 3 Các thành viên tham gia đoàn rước kiệu đều được chuẩn bị các trang phục, dụng cụ... đầy đủ
Hàng năm để lễ hội đền Lê Khôi diễn ra trong không khí trang nghiêm, văn hóa, linh thiêng trọn vẹn suốt trong 3 ngày liền giống như bản chất truyền thống vốn có xưa, chính quyền huyện Thạch Hà và huyện Lộc Hà, Ban quản lý đền cùng chính quyền và nhân dân 4 xã bãi ngang ven biển đã chuẩn bị rất chu đáo mọi thứ từ trước đó 2 tháng, huy động hàng trăm người từ các tổ chức đoàn, hội, công an tham gia phục vụ, giúp ban tổ chức điều hành, quản lý các hoạt động trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, hạn chế những sai sót và hành vi tiêu cực, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

Lễ hội của người dân

Mặc dù địa hình diễn ra lễ hội đền Lê Khôi giao thông đi lại khó khăn (chủ yếu bằng đường bộ và đường biển), nhưng năm nào cũng thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh nườm nượp tề tựu về đây tụ hội vừa thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân tới vị anh hùng dân tộc danh tướng Lê Khôi; cầu mong quốc thái dân an, làm ăn gặp thuận lợi… vừa tham quan cảnh đẹp thiên nhiên núi, biển hùng vĩ, hữu tình...

Độc đáo lễ hội đền Lê Khôi ảnh 4 Tại lễ hội đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi thu hút nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian, trong đó có tiết mục múa lân rất độc đáo
Đặc biệt, không chỉ đối với hầu hết ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà, Lộc Hà mà cả ngư dân ở huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân... (Hà Tĩnh) cũng luôn ý thức đền Lê Khôi chính là vị Thành hoàng làng, thần hộ mệnh trên biển, do đó lễ hội hàng năm đã trở thành một nếp sống, nét đẹp văn hóa dân gian đặc trưng gắn bó mật thiết truyền từ đời này qua đời khác của họ. Thông qua lễ hội, ngư dân cầu mong Lê Khôi phù hộ cho nơi đây được mưa thuận gió hòa, che chở cho mỗi chuyến ra khơi bám biển, lúc gió to sóng lớn luôn được bình an, cá mực đầy thuyền...
Độc đáo lễ hội đền Lê Khôi ảnh 5 Đoàn rước kiệu từ các đền Vọng về đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi
Một ngư dân ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: "Trong tâm thức của các thế hệ người dân vùng biển này, dù đi đâu, làm việc gì thì cứ vào đầu tháng 5 âm lịch hàng năm là chúng tôi đều tạm gác lại mọi công việc thường ngày để tề tựu về núi Long Ngâm dự lễ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Lê Khôi - một vị anh hùng dân tộc suốt đời vì dân, vì nước. Mọi người đến với lễ hội với tâm lý thoải mái, vui tươi, xóa bỏ mọi lo toan, muộn phiền, bon chen trong cuộc sống…".

Lễ hội đền Lê Khôi cùng với lễ hội đền Nguyễn Thị Bích Châu (ở thị xã Kỳ Anh), lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn (ở huyện Cẩm Xuyên), lễ hội cầu ngư Hội Thống (ở huyện Nghi Xuân)… là những hoạt động văn hóa tinh thầm tâm linh thường niên của cư dân dọc ven cửa biển tỉnh Hà Tĩnh đã và đang ngày càng thu hút được đông đảo du khách thập phương về tham gia. Đến với lễ hội, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, mà thực sự là ngày hội tri ân các vị tiền bối có công với dân, với nước, đó là điều rất cần thiết để giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây"… cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các thế hệ trẻ...

 

Từ ngày 26 đến 28-5 (tức ngày mùng 1 đến 3-5 âm lịch), huyện Thạch Hà và huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức lễ hội đền Lê Khôi năm 2017, cử hành lễ giỗ lần thứ 571 năm ngày mất của Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi (1446 - 2017) và cùng nhau ôn lại thân thế, cuộc đời, công lao đóng góp của vị danh tướng Lê Khôi đối với sự nghiệp chống giặc Minh xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê ban đầu của Ban quản lý đền Lê Khôi, suốt trong 3 ngày diễn ra lễ hội, đền Lê Khôi đã đón hơn 5.000 lượt khách đến dâng hương, tham quan vãn cảnh.

Độc đáo lễ hội đền Lê Khôi ảnh 6 Tượng Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi tại đền thờ Lê Khôi
Lê Khôi (thuỵ là Võ Mục, quê ở tỉnh Thanh Hóa) là con trai của Lê Trừ (anh thứ hai của Lê Lợi), cha mẹ mất sớm ở với chú ruột Lê Lợi… Ông là một danh tướng tài ba, lập nhiều chiến công xuất sắc vào chiến công chung của nghĩa quân Lam Sơn. Là người có công phò tá 3 đời vua Lê, giúp triều đình nhà Lê dẹp giặc ngoại xâm, giữ nhiều chức vụ lớn trong triều đình. Ông có tên trong Hội Thề Lũng Nhai, được triều đình nhà Lê dựng biển khắc tên Khai Quốc Công Thần và xếp thứ 16 trong danh sách 93 vị này. Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu. Tại đây, ông chú trọng phát triển nông nghiệp đắp đập khai hoang lập làng, phát triển bờ cõi phía Nam. Năm 1446, phụng mệnh vua, ông cầm quân đi đánh Chiêm Thành, khi đoàn chiến thuyền trên đường trở về đến Cửa Sót, ông lâm bệnh nặng qua đời và an táng, lập đền thờ tại núi Nam Giới. Năm 1487 ông được vua Lê phong là “Chiêu trưng Đại vương”. Và để tưởng nhớ đến công lao to lớn của Lê Khôi đối với đất nước, hàng năm cứ vào ngày mùng 1 đến 3 tháng 5 âm lịch, người dân các địa phương lại tổ chức lễ tế ông.

Đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi hay còn gọi là đền Võ Mục thờ danh tướng Lê Khôi. Đây là 1 trong 4 ngôi đền cổ kính, đẹp nhất vùng Nghệ Tĩnh xưa và được xếp trong “Tứ linh từ” của vùng đất An Tĩnh (đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng). Để ghi nhận công đức của Lê Khôi và gìn giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật thời Lê tại đền, năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) quyết định công nhận đền thờ và lăng mộ Lê Khôi là Di tích cấp quốc gia.

Tin cùng chuyên mục