Hiện nay, xã Vạn Thắng có khoảng 400 hộ với hơn 700 nhân khẩu làm nghề “xoi” trầm. Ông Trần Công Đức, Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương xã Vạn Thắng cho biết, nghề trầm đã tồn tại và phát triển ở đây hơn 100 năm.
“Trước đây các hộ làng nghề chủ yếu làm gia công sản phẩm nên đầu ra bấp bênh. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ, máy móc kỹ thuật nên làng nghề đã chế tác ra nhiều dòng sản phẩm rất tinh xảo và mang lại giá trị cao”, ông Đức cho hay.
Đến thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng sẽ thật dễ dàng khi bắt gặp những hình ảnh nhiều người cặm cụi, tỉ mỉ ngồi “xoi”, “xỉa” từng miếng trầm trên tay, với những công cụ thô sơ như đá mài, dũm, keo,…
Chúng tôi gặp ông Lê Minh Thuận (54 tuổi) là người có thâm niên trong nghề “xoi” trầm, ông cho biết, ngày trước, dân xứ này đa phần tìm lên những cánh rừng nguyên sinh như vùng đèo Cả, Hòn Chảo ở Tu Bông (Vạn Giã)… tìm trầm kỳ, để mong đổi đời.
Tuy nhiên, nghề này vất vả, nguy hiểm luôn rình rập. Đã có nhiều người đi tìm trầm ở địa phương và các xã lân cận như Vạn Phú, Vạn Bình không may gặp cướp, thú dữ hoặc bị thương hàn, sốt rét ác tính, bỏ mạng trên rừng, không về nữa.
Ngày nay, người ta có thể tự trồng được cây dó bầu và can thiệp vào quá trình tạo trầm của loại cây này, làm cho thời gian được rút ngắn mà không ảnh hưởng đến tự nhiên và tính mạng của con người.
Để lấy trầm, cần nhiều công đoạn như cưa cây, cắt thành khúc, rồi đẽo, phá xác và tỉa sạch rồi thành trầm. Để thu được 20kg trầm sạch, phải “xoi” ít nhất 1 tấn cây dó bầu; mỗi tháng mỗi người chỉ làm được vài kg trầm.
Nghề “xoi” trầm ngày càng phát triển với 3 dòng sản phẩm là trầm nguyên liệu, trầm mỹ nghệ và hương trầm. Các sản phẩm cũng ngày càng được chế tác tinh xảo, đẹp mắt và mang giá trị cao, rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Giá các sản phẩm trầm hương cũng đa dạng, đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Ở dòng trang sức, có tràng hạt, vòng tay, mặt dây chuyền... mỗi sản phẩm có giá từ vài trăm ngàn tới hàng triệu đồng. Ngoài ra, du khách có nhu cầu sử dụng trầm mang màu sắc tâm linh thì có sẵn trầm khối phong thủy, hương trầm không tăm hoặc tháp xông trầm mỹ nghệ. Dòng sản phẩm này có giá thành khá cao, riêng trầm tự nhiên có giá vài trăm triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TPHCM, Đài Loan, Trung Quốc.
Ông Trần Công Đức cho biết: “Mấy năm gần đây, khách du lịch tìm đến làng nghề tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm ngày càng nhiều, nhất là khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Địa phương cũng đã định hướng, đầu tư và hỗ trợ phát triển loại hình du lịch gắn với làng nghề, tạo ra thu nhập và công ăn việc làm cho người dân ở đây”.
Tuy nhiên, nghề trầm hương cũng đối mặt với không ít khó khăn, từ sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường đến những biến động do dịch bệnh gây ra. Với sự phát triển của mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, nhiều sản phẩm từ trầm hương giả cũng xuất hiện tràn lan, nhiều trang thương mại còn làm giả, làm nhái thương hiệu trầm hương Khánh Hòa, ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề.
Với sự nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng nghề trầm hương Vạn Thắng hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của thương hiệu trầm hương Khánh Hòa.