Nghề truyền thống tủ thờ Gò Công hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận làng nghề vào năm 2003. Làng nghề này không chỉ sản xuất tủ thờ, mà nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ như tranh, khay trà, hộp gỗ, bàn ghế, giường, đồ trang trí nội thất bằng gỗ… cũng được khảm xà cừ.
Bên cạnh đó, loại gỗ sử dụng để làm ra các sản phẩm khảm xà cừ cũng rất đa dạng, phong phú như căm xe, cẩm lai… Ốc xà cừ cũng có nhiều loại, giá từ vài chục ngàn đến hơn trăm triệu đồng/kg. Khảm ốc xà cừ là công đoạn không thể thiếu để làm nên tủ thờ truyền thống độc đáo, giá trị.
Một tủ thờ khảm xà cừ hoàn chỉnh được đánh giá cao về nghệ thuật và nét truyền thống lâu đời sẽ xuất hiện các tích xưa trên bề mặt như: Nhị thập Tứ Hiếu, Sen Hạc, Thái Công điếu vị, Tam cố thảo lư, Mai - Lan - Cúc - Trúc, Long Phụng kỳ duyên, Tứ quý, Tứ linh, Ngũ phúc, Bát tiên, Thuận buồm xuôi gió, Mã đáo thành công, Làng quê yên bình…
Nói về tủ thờ, nghệ nhân Hai Đủ (ấp Ông Non, xã Tân Trung, TP Gò Công) cho biết, trước đây, sản phẩm của làng nghề chủ yếu là tủ thờ ít trụ (9 trụ), nhưng hiện nay được cách tân theo hướng hiện đại (21 trụ) nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, tuy nhiên vẫn giữ được nét cổ xưa bởi cách tạo hình của các nghệ nhân có tay nghề cao.
Theo nghệ nhân Hai Đủ, nghề này trước đây được làm hoàn toàn bằng thủ công, vì vậy mỗi thợ phải biết tất cả các công đoạn như: cưa gỗ và làm mộc, vẽ tạo hình trên xà cừ, cưa xà cừ theo hình đã vẽ, dán xà cừ lên thân gỗ...
Tuy nhiên ngày nay có thêm thiết bị máy móc, việc tạo ra một chiếc tủ thờ rất nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính.
Ngoài ra, một trong những nét độc đáo của tủ thờ là những miếng ốc xà cừ qua thời gian đã "lên nước", bắt ánh sáng cực nhạy. Dù trong bóng tối, cái tủ thờ khảm xà cừ vẫn toát lên vẻ uy nghi với những sắc màu lấp lánh sang trọng, góp phần tôn nghiêm cho không gian thờ cúng.
Tại xã Tân Trung có hơn 500 cơ sở sản xuất tủ thờ cũng như nhiều sản phẩm gỗ khảm xà cừ, nghề này đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Nghệ nhân Năm Lộc cho biết, từ khi đầu tư máy móc, đơn hàng của cơ sở ông hoàn thành nhanh chóng, tạo uy tín cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Dù vậy, công đoạn khảm phải hoàn toàn bằng thủ công, mỗi mặt gỗ khảm xà cừ phải thể hiện được cái hồn của bức tranh, người thợ phải tỉ mỉ khắc từng đường nét, càng chi tiết tranh càng đẹp. Hơn nữa người thợ phải chú trọng đến chất lượng, không thể khảm tranh qua loa khiến xà cừ dễ bị bong tróc, nứt vỡ…
Sản phẩm độc đáo, đẹp mắt, tạo được thương hiệu và uy tín với khách hàng nên những sản phẩm xà cừ long lanh, lấp lánh của làng nghề này đã xuất khẩu sang một số nước trên thế giới như: Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Australia....
Để phát triển bền vững, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã và đang hỗ trợ làng nghề mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới dây chuyền công nghệ, cơ giới hóa các khâu sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất, hình thành các khu sản xuất tập trung gắn với giải quyết ô nhiễm, bảo vệ môi trường.