Từ đầu Tết Nhâm Dần đến nay, tuyến đường Phan Đình Giót ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành điểm tham quan, thu hút khách du lịch đến tham quan, check-in. Nằm cạnh Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, tuyến đường này trước đây là khu chợ bán đồ sắt và là điểm đen về ô nhiễm rác thải, tệ nạn xã hội. Trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giải tỏa khu chợ, trả lại mỹ quan đô thị cho khu vực. Sau đó, Sở VH-TT-DL Đắk Lắk phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lên kế hoạch thực hiện dự án đường bích họa làm điểm tham quan cho du khách khi đến phố núi Buôn Ma Thuột.
Đường bích họa dài khoảng 200m, hai bên là hàng cây cổ thụ phủ bóng mát. Những mảng tường ẩm mốc, phủ đầy rêu trước đây được khoác lên mình một lớp áo mới với hàng chục tác phẩm bích họa. Các tác phẩm khắc họa không gian sống, nét độc đáo văn hóa của người dân bản địa Tây Nguyên như: lễ hội cồng chiêng, săn voi, các cô gái Êđê giã gạo… Những bức bích họa được thực hiện sắc sảo như đưa người xem về lại vùng đất Tây Nguyên nguyên sơ với những buôn làng yên bình, những con người bình dị, chân chất và dũng mãnh.
Là một trong những thành viên thực hiện dự án, họa sĩ Huỳnh Thanh Hiếu, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk cho biết, đường bích họa được lấy ý tưởng từ 2 tác phẩm “Trường ca Đam San” và “Buôn Ma Thuột xưa”. Dự án được anh và 5 đồng nghiệp làm việc cật lực hơn 10 ngày mới hoàn thành. “Các bức bích họa không chỉ là điểm nhấn của con đường mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa bản địa của người dân Tây Nguyên, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Qua đó du khách có thể hiểu hơn về vùng đất huyền bí của chúng tôi, nơi có những con người viết nên sử thi, trường ca hào hùng”, họa sĩ Huỳnh Thanh Hiếu chia sẻ.
Ngược về buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) tuyến đường dẫn vào buôn nay cũng khoác áo mới bằng những tác phẩm nghệ thuật. 32 bức bích họa chủ đề về văn hóa, đất và người bản địa Tây Nguyên trải dài trên 200m tường đã trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến tham quan.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk cho biết, ban đầu dự án đường bích họa với mục đích xóa các điểm đen về rác thải, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường. Nhưng khi thực hiện, dự án đã mang lại tín hiệu khả quan nhờ được đầu tư nhiều hơn về mặt ý tưởng, chủ đề, thông điệp, thể hiện sắc màu văn hóa của các dân tộc bản địa. “Chúng tôi đã khảo sát và mở rộng triển khai nhiều dự án đường bích họa trên toàn tỉnh nhằm xây dựng các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch. Hy vọng thời gian tới, các đường bích họa, buôn bích họa, phố bích họa sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch của TP Buôn Ma Thuột”, ông Duẩn chia sẻ.