Từ 5 giờ sáng, sạp nhỏ của bà Trần Thị Đào (thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú) đã dọn sẵn nồi bánh bèo, bánh gói. Bà Đào bán 5.000 đồng/10 cái bánh bèo, 5.000 đồng/5 cái bánh gói, bà làm nước sốt chấm cho thêm nhiều gia vị nên rất ngon.
“Tôi đã bán ở đây 17 năm, trước kia giá bán chỉ 2.000-3.000 đồng rồi đến 5.000 đồng chứ không đắt hơn. Chợ quê bán vậy mà nhiều người vẫn muốn bớt vài đồng lẻ.”- Bà Đào nói.
Bánh bèo, bánh gói là đặc sản ở Quảng Ngãi, muốn làm bánh này rất đơn giản, mua gạo, ngâm, xay và đổ thành bánh. Hàng ngày, sau giờ cơm tối, bà Đào làm 15 hiệp bánh, chừng 1.000 cái bánh bèo, bánh gói đến khoảng 11 giờ là xong. Chờ bánh kết lại thì vừa kịp sáng mai đi bán.
Chợ Đường Mương có từ rất lâu, theo nhiều người dân thì trước chợ có mương nước nhưng về sau làm đường đã lấp. Chợ chỉ có vài chục sạp bán, trong đó có khoảng 10 sạp là hàng quán ăn uống đồng giá 5.000 đồng.
Bà Đỗ Thị Nhung người bán cháo vịt tại chợ cho biết, mỗi sáng bà xách 2 xô cháo vịt ra bán. Tô cháo bỏ hành lá, thịt vịt đầy đủ chỉ bán đúng 5.000 đồng mỗi tô.
“Mỗi ngày tôi nấu chừng 6 lon gạo chào và 1 con vịt là đủ để bán trong buổi sáng” - bà Nhung nói.
Cháo vịt đựng trong xô giữ nhiệt nên lúc nào cũng nóng hổi, gia đình 4 người ăn thì tổng chi phí chỉ 20.000 đồng, vừa no vừa ngon lại quá rẻ.
“Bây giờ ở ngoài đường lớn, thành thị, đôi khi 5.000 đồng chỉ đủ tiền gửi xe; 20.000 đồng chỉ mua được tô cháo mà có khi vị không bằng nơi đây, nên giá bán ở chợ Đường Mương như vậy là rẻ lắm rồi”- bà Nhung nói và khuyến mãi cả nụ cười chân quê.
Phía bên kia sạp hàng bà Nhung là sạp bán bún của bà Chín Hường, người dân quen gọi như vậy như mấy chục năm nay. Bà Chín Hường bán bún ở đây lâu như tuổi đời của chợ Đường Mương mà giá cũng chỉ 5.000 đồng. Sạp hàng chỉ có cái bàn và 4 chiếc ghế gỗ nhỏ đã cũ, vậy mà tô bún lại luôn đầy đủ xương, thịt, bún và nước lèo.
Rẻ hơn ở chợ Đường Mương, sạp hàng chị Cao Thị Phục bán nước rau má, nước đậu nành, chè đậu váng, sương sa với giá chỉ 3.000 đồng/món.
“Từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối thì nấu sương sa vì sương sa phải chờ cho nó đông lại, sau đó đến 2 giờ sáng tôi dậy sớm nấu nước rau má, đậu nành, chè đậu váng... Loay hoay đến 5 giờ sáng là vừa xong đem ra chợ bán. Như vậy, chè và nước không quá lạnh, người mua buổi sáng có thể uống nóng rất ngon mà giá chỉ 3.000 đồng”- chị Phục nói và chia sẻ, bán buôn không lời lãi nhiều, người bán người mua đều chỉ lấy công làm lời kiếm đồng mua cá, thịt cho bữa cơm gia đình.
Chợ Đường Mương chỉ họp từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, vừa kịp tan chợ ở các sạp hàng rau củ quả, cá, mắm… cũng vừa kịp cho nông dân ra đồng, người đi công việc ở chợ thị trấn Mộ Đức. Nét độc đáo này đã trở thành lối sống sinh hoạt ngày thường của người dân xung quanh chợ Đường Mương.