
Lên các xã miền núi của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có người H’rê sinh sống có rất nhiều thôn, bản được đặt tên là thôn Cà La, thôn Ka La… nghĩa là tre.
Cây tre mọc tự nhiên, phủ khắp rừng núi, nên người H’rê đã lấy tên loại cây này đặt tên cho nơi họ cư trú. Loài cây bản địa này cũng là nguyên liệu để người H’rê sáng tạo ra các loại nhạc cụ mang đậm sắc thái văn hóa, trong đó có chinh kala, hay còn gọi chiêng tre.
Ông Phạm Văn Lậc (66 tuổi, thôn Mang Lùng 2, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ) đến nay vẫn giữ gìn và trao truyền văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là chinh kala.
Ông Lậc nói, chiêng là loại nhạc cụ phổ biến ở các vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, nhưng để có chiêng thì người H’rê và các dân tộc khác phải mua chiêng từ người Kinh mang lên vì họ có khả năng đúc chiêng đồng.
Để có một bộ chiêng, người H’rê và các dân tộc khác phải đổi rất nhiều sản vật như quế, trâu bò. Chính vì giá trị chiêng đồng đắt đỏ nên không phải nhà nào cũng có điều kiện mua.
Ông Lậc chia sẻ: “Người H’rê đã sáng tạo ra loại nhạc cụ thay thế đặc biệt cho chiêng đồng mà vẫn giữ âm sắc truyền thống và chất liệu của nhạc cụ này làm từ tre nên gọi là chiêng tre, tiếng H’rê gọi là chinh kala”.
Chinh kala xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội và sinh hoạt đời thường. Chinh kala không chỉ đơn thuần là tiếng nhạc mà còn là lời kể chuyện, gởi gắm tâm sự của con người với đất trời.
Ông Lậc cho biết, chinh kala được tạo nên từ một đốt tre kín ở hai đầu, dài khoảng 30cm, đốt tre làm chinh kala thường to, vỏ mỏng mà cứng để tạo được âm thanh hay. Tiếp đến, khoét lỗ dài dọc thân, có 3 dây khảy dọc theo lỗ, tương ứng âm thanh trong dàn chinh của người H’rê. Dây khảy này cũng được làm từ chính cật tre, hay còn gọi vỏ cây tre.
Để thử nhạc, người H’rê gõ nhẹ lên thân ống tre và điều chỉnh dây khảy để nghe âm thanh trầm bổng. Nhờ chinh kala, nhà nào không có chiêng đồng có thể ngồi ôm chinh kala tấu để mọi người thưởng thức.

Để chinh kala đến gần hơn với đời sống, suốt 10 năm qua, ông Lậc tích cực tham gia Đội văn nghệ xã Ba Tô, đưa âm thanh chinh kala truyền lại cho người trẻ và kết hợp biểu diễn sân khấu.
Ông sáng tác nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca, như tác phẩm 80 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945 – 11-3-2025), Ba Tô đổi mới, kết hợp công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ông nói: “Tôi cũng háo hức khi kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Ba Tơ sắp diễn ra, tôi đem chinh kala sửa soạn lại, chuẩn bị cùng đội văn nghệ biểu diễn phục vụ người dân”.
Ông Huỳnh Thanh Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Tô, cho biết: “Những đóng góp của ông Lậc thời gian qua dành cho địa phương là nguồn cảm hứng lớn cho lớp trẻ địa phương trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.