1. Đến bến phà, cửa ngõ vô Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) trời thình lình đổ mưa. Nước sông Đồng Nai đổ về cuồn cuộn, đỏ ngầu. Lát sau, con phà mới tách bến. Bên phải sông có cồn Tiên, chia 2 dòng nước thật thơ mộng. 1 từ thác trên Lâm Đồng đổ xuống, 1 từ Bàu Sấu trong rừng đổ ra. Anh cán bộ kiểm lâm đứng cạnh nói, cồn này vừa có quyết định trả về cho Đồng Nai quản lý, dự kiến sẽ là nơi bảo tồn các loài linh trưởng.
Chiều lại mưa. Mưa rừng rả rích hoài. “Đêm nay mưa, vậy tour coi thú đêm chắc hủy quá?”, tôi hỏi. “Yên tâm anh ơi. Tối ngớt mưa mình đi. Đã đi là gặp thú”, anh cán bộ trung tâm bảo tồn nói chắc nịch.
Và trời ngớt mưa thật. 7 giờ 30 phút tối, mọi người leo lên chiếc xe Isuzu 3,5 tấn bỏ mui, đặt 2 hàng ghế chuyên chở khách tham quan. Trên xe có cả khách nước ngoài, đoàn quay phim của truyền hình quốc gia. Đoạn đường đi dài 6km, trơn trượt; có đoạn nước tràn qua mặt lộ... Anh Vỹ, kiểm lâm kiêm hướng dẫn dùng dao chặt những nhánh cây sà xuống thấp, dùng đèn chuyên dụng sáng quắc quét dọc 2 bên đường. “Những hàng rào lưới sát đường để khoanh khu bảo tồn gấu ngựa, gấu chó. Tại đây còn nhận chăm sóc, bảo tồn những loài thú quý, có nguy cơ tuyệt chủng ở các nơi đưa về”, anh Vỹ giới thiệu. Mới được hơn cây số ánh đèn hắt ngược lên bụi cây trước mặt. “Chim đó, 2 con lận”. Nhìn kỹ theo ánh đèn mới thấy những ánh đỏ của mắt chim. 2 chú chim thu mình như 2 cục bông gòn, ngúc ngắc cái mỏ nhỏ xíu. “Bên phải, bên phải kìa…”. Chỉ cách đường hơn chục mét là mẹ con chú nai đang nhẩn nha trên trảng cỏ. Lát lát, chú nai con lại rúc đầu tìm vú mẹ. “Nai có tập tục sống theo bầy. Chú ý xung quanh sẽ thấy…”, anh Vỹ chưa dứt lời thì những đốm đen đang chuyển động hứng ánh đèn chuyển sang màu vàng, cả “dòng họ” nai xuất hiện...
Đi chưa tới nửa đoạn đường tham quan, chúng tôi đã liên tục chạm mặt “các bạn”. Bò tót kềnh càng, nai hoẵng nhu mì điềm đạm, chim rừng xáo xác, kỳ nhông, kỳ đà đủng đỉnh... Mà “các bạn” chỉ đứng cách mình khoảng hơn 20 thước, dạn dĩ, thân thiện lắm. “Hồi xưa tụi em đóng quân ở ngay đây mà đâu có thấy thú nhiều dữ đến vậy”, anh bạn cùng đoàn trầm trồ. “1 tour đầy kỳ thú và hấp dẫn, dễ gì có được trong đời”, cặp vợ chồng người nước ngoài trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam ngay trên xe.
Tour coi thú đêm, Discovery “độc nhất vô nhị” Việt Nam. Trong tất cả các khu bảo tồn dự trữ sinh quyển Việt Nam, hiện nay chỉ duy nhất Cát Tiên mới có tour này (hơn 200.000 đồng/người), anh Vỹ thông báo. Ở đây còn có tour “quý tộc”, giá tour trên 1 triệu đồng/người, đi coi vượn khỉ, bò tót. Hơn 4 giờ sáng là khởi hành, đi sâu vô rừng. “Quý tộc” là vậy, nhưng rất hút khách nước ngoài, Việt kiều; họ đăng ký hoài à”, ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, người con của núi rừng Ba Vì đã bám trụ ở đây hơn 6 năm phấn khởi khoe.
2. Nhà văn Nguyễn Trí (Đồng Nai), tác giả tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương, Giải thưởng Văn xuôi 2013 của Hội Nhà văn Việt Nam, từng trầm luân hơn 10 năm ngay trong rừng Cát Tiên, yêu cầu hướng dẫn cho đoàn đi thăm cây đa già mấy trăm năm tuổi và cây bằng lăng cực quý của rừng Cát Tiên. “Bằng lăng nổi nu hiếm lắm, mà cây này có tới 6 nu lận, có nu đường kính gần cả thước”. Lại hàng trăm mét vạch cây lội suối, khom lưng luồn dưới tán cây rừng, dò dẫm đặt chân trên những mỏm đá rêu phong trơn trượt. Bằng lăng thân thẳng cao vút vươn lên trời xanh đầy ngạo nghễ; gốc đa um tùm tạo thắt nhiều hình khối kỳ lạ. Hơn 9 giờ mà có chỗ phải nhờ ánh sáng trời xuyên lá mới dám đặt chân lên những phiến đá rêu phong ẩm ướt…
Cát Tiên vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng chảy dốc. Bầu Sấu, vùng đầm lầy hoang sơ lọt giữa rừng nguyên sinh với những thân cây chò, bằng lăng, đa, cẩm lai, gõ, si… hàng trăm năm tuổi. Sau đợt mưa rào đầu hạ, Cát Tiên sống động, lãng mạn, đa sắc và rực rỡ hơn bởi hàng trăm loài bướm hội tụ. Vào mùa này, các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xóa trên các triền đá lớn. Đây còn là thiên đường của gấu, voọc, khỉ, kỳ đà, gà rừng, nai, chồn, lợn rừng, cá sấu xiêm... cùng hàng trăm loài chim như công, gà rừng... Cát Tiên còn đó bao thâm u huyền bí.
“Rừng mình nhiệt đới, phân tàng (nhánh) mạnh, có cộng sinh quấn quít chứ không lẻ loi, cô độc như bên Tây. Cây ở đây là cây sinh thái chứ không phải cây kinh tế mà phải chặt tỉa cành, dành đình dưỡng cho thân chính. Cây gõ trước mặt mình kia mới mấy năm mà tán cành chìa ra 2-3m, thấp cao cả chục tầng là do đất rộng, thoải mái vẫy vùng, phát triển. Du khách nước ngoài rất thích thú là vậy”, ông Nguyễn Văn Diện giải thích.
Ông Diện cho biết thêm: “Đến khoảng 1987, ta mới thực sự đóng cửa rừng. Cái được nhất, cơ bản nhất của việc bảo tồn rừng là ta đã ký kết, thành lập được các tổ tự quản dịch vụ bảo vệ rừng, cả ngàn hộ. Diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên rộng hàng trăm hécta mà chỉ có 145 cán bộ, không có dân sao ta làm nổi?”. Ông Diện cho biết, trước khi có phong trào này, xung đột giữa dân và cán bộ Vườn quốc gia Cát Tiên xảy ra liên tục, có khi rất căng thẳng. Bà con sống trên này chủ yếu là người dân tộc Xtiêng, Mạ… nghĩ đơn giản lắm. Thế là có những trường hợp rừng bị chặt cây trồng cà phê, hạt điều xuất khẩu tràn lan khiến sinh cảnh của các loài động thực vật hoang dã bị phá vỡ.
Cát Tiên không có “thiên địch”, hổ báo đâu còn nữa, có phá chỉ do con người thôi. Vụ con tê giác Java cuối cùng bị sát hại ngay ở Cát Tiên (năm 2010) là bài học vô cùng đau xót. Xung đột lợi ích mạnh mẽ giữa phát triển và bảo tồn trong vùng phải bắt đầu từ ổn định sinh kế cho người dân. Dân hoàn toàn ra khỏi vùng bảo vệ hơn 5 năm rồi. Ta xây nhà định cư, kéo nước, kéo điện cho bà con luôn. Hàng ngày, người dân cũng đi trên con đường rừng đó, cánh rừng đó, thói quen tập tục mà, nhưng nay ý thức hơn rất nhiều. Họ được trả tiền để đi tuần tra, ngăn chặn khai thác bất hợp pháp động thực vật dưới tán rừng. Nếu nhận khoán (bảo vệ rừng) 30ha thì mỗi năm hộ đó nhận được khoảng 18 triệu đồng... Tour thăm thú đêm là minh chứng cho hiệu quả công tác bảo tồn nơi đây.
“Sáng sớm giữa rừng cứ hít thật sâu, càng nhiều càng tốt, người khỏe re ngay”, nhà văn Nguyễn Trí khuyên. Lại nghe tiếng vượn, khỉ, la inh ỏi ngay sát nhà công vụ. “Chim kêu vượn hú”. Nó không “hú” mà “hót”, nhà văn Nguyễn Trí lại nhắc. Đó là tiếng kêu của rừng. Trong lành, trong trẻo, trong veo, đậm đặc hương rừng. Để được như vầy, từng đêm từng ngày, những cán bộ kiểm lâm ở đây phải phơi đầu, phơi lưng với rừng. “Phải yêu rừng, sống chết với rừng thì mình mới không buồn chán cảnh cô quạnh sống giữa rừng, mới bảo vệ được rừng. Cho con cháu mình nữa anh à…”, Giám đốc Nguyễn Văn Diện tâm sự.