Rồng trong truyền thuyết
Với người Việt, rồng không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh vua chúa quyền uy, mà còn là vật linh trong tín ngưỡng văn hóa dân gian với nhiều gắn bó gần gũi cả về đời sống lẫn tâm linh. Các tác phẩm thể hiện hình ảnh rồng đa dạng nhiều khía cạnh, từ văn hóa, lịch sử, di sản đến đời sống thường nhật, được thể hiện đa chất liệu: sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa, thủy mặc, phấn tiên, gốm... mang đến nhiều thú vị cho người thưởng lãm.
Hàng năm, nhóm họa sĩ G39 (nhóm họa sĩ tuổi trung niên do họa sĩ Lê Thiết Cương sáng lập) tại Hà Nội thường vẽ con giáp để chào đón năm mới, triển lãm năm nay rất đặc biệt vì hình tượng con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Triển lãm Rồng với 95 tác phẩm đa dạng về chất liệu như sơn mài, tổng hợp trên giấy canson, acrylic trên toan, sơn dầu, xé giấy… mang lại những trải nghiệm đặc biệt về nhãn quan cũng như thỏa mãn nhu cầu được sở hữu những tác phẩm đặc sắc của các nhà sưu tầm và giới yêu nghệ thuật.
Với niềm đam mê theo đuổi nghệ thuật điêu khắc, nhà điêu khắc Vũ Dũng cũng dày công thiết kế, tạo dáng tượng rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây với tên gọi “Hí long vân”. Nhà điêu khắc Vũ Dũng chia sẻ: “Rồng là biểu tượng vô cùng quen thuộc, nhưng với mong muốn tái hiện một cách mới mẻ và độc đáo, tôi đã kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ tạo hình truyền thống và đương đại để có được linh vật rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây”. Cùng chung cảm hứng với linh vật rồng, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây) lại tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng, gắn với văn hóa người Việt Nam theo truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” - đây cũng là tình yêu gắn với văn hóa người Việt theo truyền thuyết.
Và rồng trong thời đại 4.0
Rồng là biểu tượng mang tính truyền thống nhưng qua góc nhìn của các nghệ sĩ trẻ, hình tượng linh vật của năm Giáp Thìn trở nên sinh động, tươi mới. Tại khu di tích quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm Vẽ con Rồng giới thiệu những tác phẩm xuất sắc được chọn lựa từ cuộc thi vẽ tranh minh họa Illustration Challenge lần thứ 13 do TiredCity và cộng đồng nghệ sĩ trẻ Vietnam Local Artist Group (VLAG) tổ chức đã khiến người xem ngỡ ngàng với hình ảnh những bức tranh rồng được lấy cảm hứng từ truyền thuyết, phim, truyện hay chính cuộc sống của con người.
Theo TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đây là một nỗ lực lớn của các họa sĩ trẻ và Công ty Sáng tạo Tired City. Hình tượng con rồng trong triển lãm này rất gần gũi, thân thương, gắn với nét đời thường của cuộc sống và xã hội đương đại. Điều đó, thật sự ý nghĩa khi năm 2024 - năm con Rồng đang tới gần. Hình tượng rồng trong tranh rất dung dị, tự nhiên, gắn với khoảnh khắc đời thường như uống cà phê, ngồi trà đá vỉa hè...
TS Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, thì bày tỏ sự thích thú với những câu chuyện đầy ẩn ý, trong những nét vẽ sáng tạo của các họa sĩ trẻ.
“Tất cả câu chuyện mà các bạn trẻ đề cập đều dựa trên lịch sử, nhưng có sự tương tác và tưởng tượng phong phú. Với lối nghĩ, cách tiếp cận nghệ thuật đương đại của người trẻ thì hình ảnh con rồng khác hơn, tạo ra một giá trị mới. Khi giá trị mới hòa trong không gian cổ kính, truyền thống lại càng tôn lên sự đặc biệt và đây là điều mà người làm trong lĩnh vực di sản nên hướng tới”, TS Nguyễn Phước Hải Trung chia sẻ.
Cùng chung nhận định này, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, những cảm thức về linh vật qua sự sáng tạo của giới trẻ giúp các tác phẩm giữ được tính biểu tượng, bên cạnh đó lại có những hình ảnh gần gũi, gắn với các trò chơi dân gian. Hình ảnh con rồng vừa giữ được vẻ đẹp thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi, mang đến cho người xem những cảm nhận về sức sống mới trong năm mới Giáp Thìn. Với các nghệ sĩ, mỗi tác phẩm như một lời chúc năm mới an lành và hạnh phúc tới mọi người, mọi nhà.