Gần đây, xuất hiện một thế hệ tác giả trẻ không ngần ngại thử sức với đề tài lịch sử. Khá nhiều tiểu thuyết với sự đa dạng về giọng điệu lẫn bút pháp được ra mắt trong thời gian qua. Lựa chọn hình thức biểu đạt độc đáo, vậy nên cuốn artbook Hành trình Đông A (NXB Kim Đồng) của Trần Tuyết Hàn (25 tuổi) mới ra mắt không lâu, nhưng nhanh chóng trở thành cuốn sách được bạn đọc yêu mến.
Nhắc đến nhà Trần, không thể không nhắc đến chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Và khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần được sử sách ghi danh, gọi là “Hào khí Đông A”.
Tác phẩm của Trần Tuyết Hàn là câu chuyện về cô gái trẻ Trần Đông A - hậu duệ đời thứ bốn mươi của Trần tộc, tình cờ nhận được món quà là sợi dây chuyền bảo vật từ ông nội. Trong một ngày đầu năm, khi được cùng bố mẹ du xuân tại Nam Định để dự Lễ hội khai ấn đền Trần, nhờ có sợi dây chuyền bảo vật, đã giúp Đông A xuyên không, trở về quá khứ, gặp các bậc tiền nhân ở thế kỷ 13.
Theo chia sẻ của Trần Tuyết Hàn, tiền thân của Hành trình Đông A là cuốn truyện tranh minh họa, cũng là đồ án tốt nghiệp của cô tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM.
“Ngay từ lúc bắt đầu, tôi đặt ra cho mình 2 mục tiêu: bảo vệ thành công đồ án trước hội đồng trường và đưa ra thị trường như sản phẩm sách sử thực tế. Tôi không muốn một đồ án làm liên tục hơn một năm sau 5 năm học và tổng chi phí nghiên cứu, trưng bày chỉ thu về là điểm số trong buổi tốt nghiệp, đối tượng tiếp cận chỉ có hội đồng trường và một số người có tham quan gian hàng trưng bày. Như vậy là “lỗ vốn” và không triệt để sự ứng dụng”, Trần Tuyết Hàn chia sẻ.
Vào tháng 6-2019, chỉ sau một ngày bảo vệ đồ án, Trần Tuyết Hàn đích thân mang bản thảo đến NXB Kim Đồng. “Tôi mang bản thảo đi với tâm thế “được biên tập xem qua đã là tốt rồi”. Và thực tế là tôi đã được chị biên tập đọc qua tầm 5 phút, rồi đến anh phụ trách mỹ thuật, sau đó nữa là khoảng thời gian gần 2 năm chỉnh sửa để Hành trình Đông A được lên kệ”, Trần Tuyết Hàn nhớ lại.
Sở dĩ phải mất một khoảng thời gian lâu như vậy, vì theo chia sẻ của Trần Tuyết Hàn, khi còn là đồ án, cuốn sách vẫn còn sơ sài và thiếu logic cả về tranh minh họa lẫn lời. Nhờ sự góp ý từ đội ngũ biên tập của NXB Kim Đồng, Trần Tuyết Hàn gần như làm lại từ đầu.
“Dựa trên những gợi ý của đội ngũ biên tập, tôi từ từ nắm bắt vấn đề để tiếp tục nghiên cứu và làm lại. Công đoạn chỉnh sửa chiếm rất nhiều thời gian, thậm chí có những hình vẽ tôi phải bỏ luôn. Chưa kể, sau khi ra trường thì tôi cũng đi làm, thành ra thời gian chỉnh sửa càng kéo dài thêm”, Trần Tuyết Hàn chia sẻ.
Có lẽ vì được đầu tư công phu như vậy nên Hành trình Đông A vừa ra mắt đã gây được chú ý. Chỉ với phần lời tinh giản, cuốn sách đã tái hiện một giai đoạn lịch sử thời đại nhà Trần với những tấm gương danh nhân lừng lẫy, với cuộc sống bình yên thông qua các hoạt động dệt vải, đánh bắt cá, làm gốm hoa nâu…
Đặc biệt, khung cảnh, đời sống của đất nước, con người Đại Việt cũng như những trận chiến được tác giả vẽ theo lối tranh khắc gỗ, đòi hỏi nhiều công phu và tỉ mỉ. Nhờ đó, dù mới ra mắt, nhưng Hành trình Đông A đã trở thành một trong những tác phẩm được đề cử và lọt vào chung khảo giải thưởng Dế Mèn lần thứ 2.