Tiếp tục chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6, sáng 15-11, tại Nhà Quốc hội, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau liên quan Luật Căn cước.
Quang cảnh phiên họp |
Báo cáo tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của luật; đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng, giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng; hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp |
Giải tỏa lo ngại về tính bảo mật thông tin cá nhân, ông Lê Tấn Tới cung cấp thông tin, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập và truy xuất dữ liệu.
Đại biểu dự họp |
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác giải trình, tiếp thu, thể hiện sự thận trọng, cầu thị của các cơ quan hữu quan. Dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.