Không phải tự nhiên mà ông bà hay nói, món ăn ngon nhất là khi được chế biến đơn giản, dùng càng ít gia vị nhất có thể. Lúc đầu tôi không đồng ý với quan điểm này, nhưng khi đã nếm thử món thịt trâu nướng mọi thì mọi thứ dần thay đổi, khi thưởng thức vị thơm ngọt, giòn... của miếng thịt trâu tươi được nướng trên than hồng.
Trốn cái nắng Sài Gòn, tôi đặt chân đến Đà Lạt mộng mơ. Thời tiết mát mẻ trong lành, bất chợt vài cơn mưa phùn... Cái lạnh và thời tiết ở đây làm con người nhanh thấy đói. Bị mùi thơm quyến rũ của món ăn đặc biệt dẫn dụ, tôi tìm đến một quán nhỏ nằm khuất trong con hẻm sâu trên đường Lê Văn Tám, và lần đầu tiên tôi được thưởng thức món thịt trâu nướng mọi trên cả tuyệt vời.
Con đường nhỏ dẫn vào quán nhiều đoạn quanh co, đồi dốc lên xuống, hoa dã quỳ vàng ươm trải khắp lối đi, chen lẫn với những ngôi nhà nhỏ xinh lấp ló sau những ngôi biệt thự cổ và những cánh đồng rau xanh mướt... Chủ quán nhanh chóng bày biện mọi thứ trên bàn, cho nhóm thực khách chúng tôi thưởng thức. Một bếp than rực lửa được đặt giữa bàn, tỏa hơi ấm xung quanh. Khác với thịt bò có màu đỏ tươi, thớ nhỏ, thịt trâu có màu đỏ sậm, thớ to. Thịt được cắt thành từng miếng lúc lắc đều tay, tươi roi rói xếp ngay ngắn trên vỉ nướng và không tẩm ướp bất cứ gia vị gì. Anh bạn tôi bảo: “Thịt trâu tươi, chắc, thơm, ngọt nên chỉ cần để vậy nướng là đã ngon lắm rồi!”.
Cứ thế, tiếng “xèo xèo” râm ran quanh bếp than hồng, những miếng thịt trâu dần bóng lên, loang loáng, ngào ngạt mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, thật khác với hình dung của tôi, thịt trâu nướng khi chín chẳng những không bị teo đi mà còn nở thêm ra. Và ngon nhất là phải thưởng thức lúc thịt vừa chín tới, nóng hổi, bốc khói, không cần chấm gì cả mà đưa ngay vào miệng. Mùi thịt nướng thơm lừng, đậm đà, giòn, ngọt của thịt tươi ngon không lẫn vào đâu được. Thêm nữa, được ăn đồ nướng giữa thời tiết se lạnh càng làm món này tuyệt vời hơn, nhấm nháp thêm ngụm rượu gạo ngâm lâu năm, vị nồng cay, ấm áp lan trên đầu lưỡi, kích thích thêm vị giác, như trò chơi cảm giác mạnh liên hoàn.
Được biết, thịt trâu Đà Lạt đặc biệt hơn những nơi khác. Chú Bảy chủ quán chia sẻ: “Trâu được nuôi tận vùng Lang Biang, con trâu “leo núi” mỗi ngày, ăn cỏ tươi nên thịt chắc, ngon nổi tiếng. Trâu Lang Biang được mệnh danh “đi sau về trước” là do khi những người buôn mang trâu Lang Biang xuống thành phố bán thì không phải xếp hàng chờ tới lượt như với trâu từ các vùng miền khác tới. Đủ biết chất lượng thế nào. Riêng tôi mỗi ngày phải đặt mua sớm mới có, và thường chỉ bán trong một buổi sáng, khách đến không dặn trước nhiều khi không còn”.
Trâu Lang Biang thậm chí nhỏ hơn trâu các vùng khác, nhưng khi lên cân bao giờ cũng nhỉnh hơn. Bởi vậy thịt trâu các vùng khác để một lúc sẽ ra nhiều nước, nhưng trâu Lang Biang chắc nụi, ít nước. Và đó chính là lý do miếng thịt trâu Lang Biang khi nướng chín không teo đi mà còn nở thêm! Một điều lý thú hơn nữa là từ hơn chục năm nay, trâu Lang Biang được lùa thả tự nhiên trong rừng, người dân ở đây hầu như không phải chăm chút trong chuồng trại. Trước đây, Lang Biang còn trồng lúa thì trâu mới bị nhốt lại để kéo cày. Từ khi nơi này chuyển sang trồng rau, màu, cà phê... thì người ta thả luôn trâu vào rừng thành từng đàn, mỗi năm mới lùa về nhà một lần để tiêm phòng. Trâu vì vậy sống tự do như muông thú trong rừng, mỗi khi cần thịt người dân sẽ vào rừng bắt. Và chính vì thế mà thịt trâu Lang Biang săn chắc, thơm ngon đến lạ kỳ, ngon hơn bất kỳ loại thịt nào mà tôi từng nếm!*
Thủy Ngân