Cụ thể, doanh thu thuần tăng từ 1076 tỷ đồng lên 1095 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp tăng từ 595 tỷ đồng lên 610 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng lĩnh vực kinh doanh truyền thống là game giảm nhẹ, nhưng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến tiếp tục đà tăng trưởng đã được ghi nhận trong báo cáo 6 tháng đầu năm, tăng thêm 197 tỷ đồng so với quý III/2017. Dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp Internet Việt Nam, doanh thu và lợi nhuận lũy kế của VNG đang ghi nhận mức giảm so với lũy kế 9 tháng đầu năm 2017.
Doanh thu thuần giảm nhẹ 16 tỷ đồng, tương đương 1% so với lũy kế 2017. Lợi nhuận gộp giảm khoảng 25 tỷ đồng, tương đương 1%. |
Tương tự, trong quý III, VNG cũng đã triển khai nhiều hoạt động đòi hỏi chi phí lớn như marketing, quảng bá cho sản phẩm trò chơi trực tuyến mới, cũng như cho sản phẩm thanh toán chiến lược ZaloPay. Bên cạnh đó, VNG cũng đang đầu tư mạnh cho mảng sản phẩm chiến lược mới là Dịch vụ đám mây (Cloud Services), dự kiến chính thức ra mắt vào đầu tháng 12 tới đây. |
Các số liệu này cũng tương đồng với thông tin tại Đại hội Cổ đông công ty hồi tháng 5-2018, khi VNG xác định mức doanh thu kế hoạch 2018 là 5006 tỷ đồng và lợi nhuận 549 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2017 để tập trung nguồn lực mở rộng thị trường nước ngoài, đầu tư phát triển các sản phẩm và công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), quảng bá các sản phẩm chiến lược, mang tầm nhìn dài hạn như ZaloPay và Cloud Services.
Tuy nhiên xét tổng thể thì VNG vẫn có bức tranh tài chính lành mạnh. Vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng thêm 413 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn tăng thêm 654 tỷ đồng, tương đương 22% trong khi nợ ngắn hạn giảm 17,5 tỷ đồng, tương đương 2%. Nhờ đó, hệ số thanh toán ngắn hạn tăng 0,9 lần giúp tăng cường tính chủ động về tài chính cho doanh nghiệp.