Theo đó, việc thí điểm giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí cầu Thái Hà sẽ thực hiện trong thời gian 3 tháng đối với các phương tiện loại 3, loại 4 và loại 5.
Ngoài xe loại 1 và loại 2 giữ nguyên mức giá lần lượt là 34.000 đồng và 49.000 đồng; xe loại 3 sẽ giảm từ 74.000 đồng xuống còn 55.000 đồng; xe loại 4 giảm từ 118.000 xuống còn 60.000 đồng; xe loại 5 giảm từ 177.000 đồng xuống còn 70.000 đồng.
Sau thời gian thí điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức đánh giá kết quả việc giảm giá, đề xuất giải pháp phù hợp để tháo gỡ triệt để khó khăn đối với dự án.
Trước đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, số tiền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án cầu Thái Hà giai đoạn 1 từ năm 2019 đến năm 2021 rất thấp, so với phương án tài chính, bình quân mỗi ngày thu 76 triệu đồng, ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn vốn của dự án.
Cụ thể, năm 2019, doanh thu dự án chỉ đạt hơn 26 tỷ đồng, bằng 15% số thu theo hợp đồng. Năm 2020, doanh thu dự án đạt hơn 28 tỷ đồng, đạt hơn 14%. Năm 2021, doanh thu cũng chỉ hơn 29 tỷ đồng, đạt hơn 14%.
Nguyên nhân chủ yếu là do lưu lượng xe đã chọn đi tuyến cầu Hưng Hà do không phải trả phí.
Lãnh đạo Công ty BOT cầu Thái Hà cho rằng, với mức doanh thu này, dự án không có điểm hoàn vốn và việc kéo dài thời gian thu phí không có ý nghĩa về phương án tài chính.
Theo tính toán của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ thu hút được phương tiện, số thu dự kiến sau giảm giá có thể đạt 198 triệu đồng/ngày đêm.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có thời gian thu phí dự kiến là 16 năm 7 tháng.