Phân hóa rõ rệt
Mặc dù đã lập nhiều kỷ lục ấn tượng về doanh thu trong 6 tháng đầu năm, với 3 phim Mai, Lật mặt 7: Một điều ước và Gặp lại chị bầu lần lượt thu về hơn 551 tỷ đồng, 482 tỷ đồng và 93 tỷ đồng, nhưng thất bại của Mùa hè đẹp nhất vừa ra mắt khán giả đã nối dài chuỗi kỷ lục buồn cho phim Việt khi chỉ thu về chưa đến 4 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu.
Như vậy, ngoài 3 phim thắng lớn, 11 phim Việt còn lại đã ra mắt trong 6 tháng đầu năm, chỉ có Đào, phở và piano và Cái giá của hạnh phúc đạt doanh thu trên chục tỷ đồng, lần lượt là 20,8 tỷ đồng và hơn 26 tỷ đồng.
Các phim còn lại đều có doanh thu dưới 10 tỷ đồng, trong đó có những thất bại thảm hại: Đóa hoa mong manh - hơn 430 triệu đồng; Trà - hơn 1,6 tỷ đồng; Án mạng lầu 4 - gần 2 tỷ đồng… Điều này thực ra đã được cảnh báo từ trước.
Tại một hội thảo về phát triển nghệ thuật vừa được tổ chức tại TPHCM, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã thẳng thắn bày tỏ: “Nếu chỉ nhìn vào những bộ phim đạt hơn trăm tỷ đồng, dễ có cảm giác rằng ngành sản xuất phim điện ảnh đang hồi phục mạnh mẽ. Nhưng thực tế đây là những trường hợp hết sức đặc biệt, thậm chí là đầy nghịch lý trong một bức tranh chung ảm đạm”.
Điều đáng nói, có không ít bộ phim mang tính thể nghiệm, lại có kỹ xảo rất tốt như trường hợp của Móng vuốt, hay đề tài truyền thống được thực hiện chỉn chu như Sáng đèn cũng chịu chung số phận thua lỗ. Riêng Móng vuốt từng được ê kíp kỳ vọng có thể đạt doanh thu 300 tỷ đồng nhưng cuối cùng chỉ thu về chưa đầy 4 tỷ đồng.
Khó chồng khó
Lý giải về thất bại của đại đa số phim Việt thời gian gần đây, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, nguyên nhân chủ yếu đến từ chất lượng nội dung yếu kém, không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.
“Khán giả hiện có thẩm mỹ xem phim khó tính hơn rất nhiều so với trước đây. Do có nhiều lựa chọn khác để xem phim nên nếu không có tác phẩm thực sự hay, hấp dẫn sẽ rất khó để thu hút khán giả ra rạp”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích.
Chất lượng nội dung mang tính tiên quyết cũng là quan điểm của ông Lê Anh Dy - Nhà sáng lập/CEO của blankNegatives (đơn vị chuyên về kỹ xảo tại TPHCM). Ông Dy cho rằng, một bộ phim có kỹ xảo chưa tốt có thể bù đắp bằng kịch bản, cốt truyện hay, nhưng nếu phim dở thì dù kỹ xảo có hay đến thế nào cũng không thể cứu được.
Một thực tế khác, điện ảnh Việt thời gian dài trước đây thường đặt niềm tin các ngôi sao, nhưng đến nay, điều đó không còn đúng. Những cái tên một thời gian dài là bảo chứng phòng vé như Thái Hòa, hay mới nổi gần đây như Tuấn Trần cũng không thể cứu vãn tình hình, dù trên thực tế họ diễn xuất vẫn tốt. Thay vào đó, niềm tin của khán giả đang gửi gắm vào những thương hiệu nhà làm phim như Trấn Thành, Lý Hải. Bởi, ngoài doanh thu phòng vé, phim của họ cũng được bảo chứng chất lượng ở các giải thưởng điện ảnh.
Mai vừa lập cú ăn 3 giải thưởng quan trọng gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất hạng mục phim Việt Nam dự thi tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 2-2024. Lật mặt 7 cũng giành 2 giải: Dàn diễn viên hay nhất và Giải NETPAC cho phim Việt Nam xuất sắc. Tiếc là điện ảnh Việt hiện chưa có nhiều thương hiệu như thế được xây dựng, góp phần vào tính bền vững của thị trường.
Sự trồi sụt của doanh thu phim Việt cũng đặt ra thách thức trong việc kêu gọi đầu tư sản xuất các dự án phim mới. Hiện tại, trong số khoảng 500 hãng có giấy phép làm phim, có khoảng 50 hãng là thực sự sản xuất phim. Trong số đó, chỉ có chưa tới 50% số hãng đã sản xuất từ 2 bộ phim trở lên.
Thống kê từ BHD cho thấy, năm 2024 dự kiến có khoảng 30 phim Việt được sản xuất, cao hơn con số 23 của năm 2023 nhưng thấp hơn hẳn năm 2022 (37 phim), hay giai đoạn trước dịch, từ 2015-2019, thường có hơn 40 phim được sản xuất mỗi năm.
Còn theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, với tình hình thị trường rạp chiếu hiện nay, hoạt động gọi vốn đầu tư để sản xuất phim Việt sẽ càng trở nên thu hẹp. Do đó, số lượng phim được sản xuất trong năm 2025-2026 được dự đoán khó có thể tăng lên, nếu không muốn nói là còn giảm đi với những viễn cảnh xấu hơn có thể xảy ra.