Theo ý kiến của các chuyên gia, ngành thực phẩm đồ uống vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Trong 10 năm trở lại đây, chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng (theo giá thực tế) của người dân thành phố về thực phẩm và đồ uống tăng bình quân 12,98%/năm. Hiện ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng khoảng 18,5% giá trị sản xuất toàn ngành, chỉ số sản xuất 7 tháng ước tăng 7,51% (cùng kỳ tăng 5,69%). Trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,76% (cùng kỳ tăng 9,69%), sản xuất đồ uống tăng 5,34% (cùng kỳ tăng 3,22%).
Một số sản phẩm của ngành chế biến lương thực, thực phẩm có khả năng đáp ứng các tiêu chí trở thành sản phẩm chủ lực của thành phố như trứng gà, mì ăn liền, nước uống đóng lon, sữa, xúc xích và lạp xưởng. Riêng một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp 7 tháng năm 2018 có sản lượng tăng cao, như sữa đạt 60.780 tấn, tăng 6,93%; bia chai, bia lon đạt 921,76 triệu lít, tăng 5,64%... so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù sản lượng 7 tháng tăng so cùng kỳ, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, dự báo trong thời gian tới, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống có thể gặp một số khó khăn như việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt gây áp lực tăng giá bán, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm; tình trạng hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Trước thực tế đó, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, trong 5 tháng cuối năm 2018 sẽ tham mưu UBND TP tổ chức các buổi tiếp xúc với Hội Lương thực thực phẩm và các doanh nghiệp lớn trong ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động đẩy mạnh việc liên kết vùng, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm chuyên sâu nhằm tập hợp, liên kết các địa phương, nông dân, hình thành những vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị.