Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá là Hải Phòng tăng 10,4%, TPHCM tăng 10,1%, Hà Nội tăng 9,9%, Đồng Nai tăng 8,4%...
Ở chiều ngược lại, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt gần 230.000 tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng mức và giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%). Trong đó, quý 2-2020 giảm mạnh 26,1%. Các tỉnh thành có mức giảm cao là Khánh Hòa giảm 60,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 49,4%, TPHCM giảm 47,3%... Tương tự, doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước tính đạt 10.300 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,4%).
Lý giải nguyên nhân này, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, với lĩnh vực bán lẻ, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các DN vẫn duy trì nguồn cung hàng hóa dồi dào. Hơn nữa, hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến nên trong thời gian giãn cách xã hội vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Còn ở lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành có mức giảm mạnh là do ảnh hưởng của tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Việc tạm dừng tiếp nhận khách du lịch quốc tế để khống chế dịch Covid-19, đồng thời trong tháng 6, học sinh và sinh viên chưa nghỉ hè nên du lịch nội địa còn kém sôi động. Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt, kích cầu du lịch nội địa nhằm vực dậy ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh du lịch nội địa để giúp DN hoạt động lĩnh vực lưu trú, ăn uống, lữ hành duy trì hoạt động và phát triển ổn định trong thời gian tới.