Trong đó, lĩnh vực in nhãn hàng, bao bì là thế mạnh của TPHCM với hàng chục công ty lớn có doanh số 200 - 1.600 tỷ đồng/năm và hơn 500 công ty tư nhân có sản lượng thấp nhưng hoạt động khá năng động. Sự cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm này cũng rất cao giữa các đơn vị trong nước và với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đáng chú ý, nhiều loại bao bì cao cấp phục vụ cho các tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như P&G, Unilever… đang bị các công ty FDI thâu tóm rất mạnh. Cụ thể, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI công nghiệp hỗ trợ trong đó có ngành in có xu hướng đi theo các công ty lớn đầu tư vào Việt Nam, đáp ứng chuỗi cung ứng. Nhất là khi những cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và những lợi thế về chính sách do Việt Nam gia nhập vào các FTA thì làn sóng này càng mạnh mẽ.
Trước tình hình trên, Hiệp hội In TPHCM khuyến nghị, các doanh nghiệp trong nước cần phải có cách nhìn nhận mới, phải đặc biệt tập trung đầu tư công nghệ mới, hoàn chỉnh, triển khai công nghệ một cách có hiệu quả, hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí, năng lượng, đồng thời an toàn cho môi trường. Nếu dừng lại ở công nghệ cũ, năng suất thấp, chất lượng không đáp ứng thì thị trường in cao cấp tại Việt nam hoàn toàn là cơ hội cho các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết trong Hiệp hội In và chuyên môn hóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp và khai thác triệt để lợi thế của mỗi doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành in cần tăng cường hơn nữa quảng bá hình ảnh và thương hiệu ra thị trường thế giới; tìm hiểu “luật chơi” quốc tế một cách kỹ lưỡng, từng bước đưa các thiết lập chuẩn mực vào sản xuất, phát triển và nghiên cứu sản phẩm. Đồng thời, chuẩn hóa quy trình sản xuất, phấn đấu được đánh giá đạt chuẩn của các tổ chức chứng nhận quốc tế có uy tín.