Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa được thông qua ngày 26-6-1990, có hiệu lực ngày 27-11-1993, dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Công ước đã đưa ra mô hình chuẩn các chứng từ tạm quản, qua đó góp phần tạo thuận lợi thương mại, giúp các cơ quan hải quan quản lý hàng theo chế độ tạm quản được chặt chẽ hơn.
Doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm… được hưởng nhiều tiện ích về thủ tục
khi sử dụng sổ tạm quản ATA. Ảnh: CAO THĂNG
khi sử dụng sổ tạm quản ATA. Ảnh: CAO THĂNG
Hải quan “một cửa”
Theo Tổng cục Hải quan, trong Công ước Istanbul, cơ chế tạm quản vận hành dựa trên hệ thống sổ tạm quản (ATA Carnet) là một bộ chứng từ hải quan duy nhất được quốc tế công nhận dùng để thay thế tờ khai hải quan, áp dụng đối với hàng hóa đi lại theo chế độ tạm quản giữa các thành viên của Công ước Istanbul. Cơ chế tạm quản cho phép giảm tối đa các thủ tục liên quan khi xuất nhập khẩu (khai báo, nộp, hoàn thuế, xử lý giấy phép), vì các yêu cầu này đã được thực hiện từ trước tại quốc gia của chủ hàng thông qua việc sử dụng sổ tạm quản. Đây là một trong những biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến, nhằm mục đích tạo thuận lợi tối đa cho một số hoạt động thương mại nhất định, như hàng triển lãm, hội chợ, phục vụ các sự kiện, thiết bị nghề nghiệp.
Ở phạm vi nội địa, khi làm thủ tục hải quan, các DN Việt Nam chỉ phải qua “một cửa”. ATA Carnet chính là hình thức hải quan “một cửa”, DN chỉ cần qua một đầu mối là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Còn ở phạm vi quốc tế, tất cả hải quan các nước tham gia hệ thống ATA Carnet đều sẽ áp dụng hình thức chấp nhận hải quan của nhau, để nhanh chóng thông quan tự động cho hàng của DN Việt Nam bằng một quyển sổ ATA Carnet, không cần thêm bất kỳ giấy tờ nào khác.
Theo nhận định của bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (VCCI), sổ tạm quản ATA giống như “hộ chiếu” của hàng hóa, giúp hàng hóa được thông quan nhanh chóng hơn. Cơ quan hải quan cũng giảm thiểu được một khối lượng đáng kể các công việc liên quan đến giấy tờ hành chính, cải thiện năng suất thông quan. Đặc biệt, sẽ không có hiện tượng thất thu thuế đối với các hàng hóa kê khai tạm nhập rồi “mất tích”, nhờ áp dụng mức quỹ bảo lãnh tương đương với 110% thuế, phí của lô hàng hóa. Việc thực hiện cơ chế tạm quản cũng sẽ giúp thúc đẩy quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và DN, thay vì quan hệ quản lý - bị quản lý như trước đây. Tuy nhiên, thời gian đầu, Việt Nam chỉ lựa chọn tham gia cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul là các hàng hóa phục vụ hội chợ, triển lãm. Nếu việc áp dụng thuận lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia cơ chế tạm quản cho các nhóm mặt hàng khác. Vì vậy, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin, quy trình xin cấp sổ tạm quản để lựa chọn giải pháp thông quan thuận lợi nhất.
Nhiều lợi ích
Theo VCCI, Chính phủ đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện và môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN, trong đó có việc gia nhập Công ước Istanbul và triển khai cấp sổ tạm quản ATA cho hàng hóa. Do có hiệu lực tại 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, việc sử dụng sổ tạm quản ATA sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các DN.
Cụ thể, sổ ATA loại bỏ thanh toán thuế và các khoản thuế, đồng thời tránh việc bắt buộc nộp tiền đặt cọc hoặc bảo lãnh dưới một số hình thức khi đưa hàng vào nước tạm nhập. DN sử dụng sổ ATA sẽ không phải kê khai tờ khai hải quan tại điểm kiểm tra, mà chỉ cần xuất trình hàng hóa đối với mỗi lần thông quan.
Sổ ATA cũng cho phép sử dụng một chứng từ duy nhất với tất cả các giao dịch hải quan. Việc áp dụng mô hình chuẩn các chứng từ tạm nhập như chứng từ hải quan quốc tế với sự bảo đảm trên toàn thế giới sẽ góp phần thuận lợi hóa thủ tục tạm nhập tái xuất, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển thương mại toàn cầu. Không chỉ có DN được hưởng lợi, việc áp dụng cơ chế tạm quản cũng giúp hoạt động thông quan của các cơ quan hải quan thuận lợi hơn rất nhiều.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Toàn, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), cho biết khi áp dụng sổ tạm quản ATA, một số hàng hóa (kể cả phương tiện vận tải) được nhập vào lãnh thổ hải quan mà không phải đóng thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul sẽ giúp các DN xuất nhập khẩu được hưởng khá nhiều lợi ích.
Cụ thể, từ trước tới nay, các DN thực hiện các hoạt động tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập hàng hóa, thiết bị, máy móc đều phải thực hiện thủ tục theo quy trình mở tờ khai hải quan, đóng thuế, sau khi tái xuất sẽ phải làm thủ tục để được hoàn thuế. Với việc tham gia Công ước Istanbul, các DN chỉ phải xin cấp sổ tạm quản ATA một lần tại quốc gia chủ hàng hóa cho tất cả các hoạt động tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập hàng hóa qua nhiều quốc gia thành viên, trong suốt thời gian là 1 năm. Nhờ đó, DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hải quan, đặc biệt các DN hoạt động trong việc xuất - nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ các dự án xây dựng sẽ thấy rõ lợi ích từ sổ tạm quản.