Doanh nghiệp Việt vượt rào cản kỹ thuật

Liên minh châu Âu vừa có nhiều điều chỉnh liên quan đến hoạt động kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng với nhiều sản phẩm lương thực chế biến, nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Quy định lần này có sự nới lỏng đáng kể trong tần suất kiểm tra. Điều này cho thấy, sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam đã có sự đảm bảo tốt hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từng bước tiến bộ

Thông tin mới nhất từ Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, kể từ ngày 27-6 tới, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc kèm theo giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp mà chỉ áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%. Cùng tần suất kiểm tra 20% còn có mặt hàng thanh long, bún, miến, mì.

Riêng sản phẩm ớt chuông, đậu bắp vẫn bị duy trì tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu. Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT), cho biết, sản phẩm mì ăn liền có chứa gia vị, bột nêm hoặc nước sốt từ Việt Nam đã phải chịu mức độ kiểm soát chính thức gia tăng và các điều kiện đặc biệt khi nhập khẩu vào EU do nguy cơ nhiễm ethylene oxide, kể từ tháng 12-2021.

Do đó, việc nới lỏng tần suất kiểm tra cho thấy những tiến bộ của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ các yêu cầu không tạo ra rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe con người được quy định trong pháp luật của EU.

Tuy nhiên, cùng với việc giảm tần suất kiểm tra với nhóm hàng trên thì trong tháng 5, Văn phòng SPS lại tiếp nhận 76 thông báo về thay đổi hoặc thêm các rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm hàng hóa thực phẩm chế biến và nông sản từ nhiều thị trường xuất khẩu. Nhiều nhất phải kể đến là thị trường Canada với 18 thông báo, trong đó có 9 thông báo về dự thảo lấy ý kiến thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và 9 thông báo về quy định đã thông qua và có hiệu lực.

Khách tham quan gian hàng tại một hội nghị kết nối giao thương với doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh về tiêu thụ nông sản

Khách tham quan gian hàng tại một hội nghị kết nối giao thương với doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh về tiêu thụ nông sản

Theo đó, các thông báo liên quan đến giới hạn dư lượng tối đa được liệt kê (MRL) đối với các chất fludioxonil, sedaxane, mandestrobin, natri acifluorfen… trên hàng hóa nông sản thô, chế biến. Hoa Kỳ, Brazil, Anh, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… cũng đã ban hành hàng loạt thông báo quy định mới về giới hạn dư lượng các chất có trong thực phẩm chế biến, nông sản nhập khẩu từ các nước nói chung, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, Chính phủ Australia còn yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đã được đóng dấu/ký điện tử bao gồm mã QR hoặc liên kết website để cho phép xác minh trực tuyến tài liệu. Chưa hết, nước này còn khuyến khích việc chuyển sang chứng nhận điện tử được cung cấp thông qua trao đổi kỹ thuật số giữa chính phủ với chính phủ (ePhyto/eCert) và thương mại không cần giấy tờ trong thông quan nhập khẩu. Bởi chứng nhận điện tử mang lại hiệu quả đánh giá, cải thiện an ninh và đảm bảo tính hợp lệ của tài liệu cao hơn khi được cấp qua trao đổi điện tử giữa chính phủ với chính phủ.

Nỗ lực đạt chuẩn

Tại cuộc họp giao ban tháng 5 với các tham tán thương mại của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện các thị trường xuất khẩu đang đặt ra ngày càng nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật. Trong đó, tập trung vào các yếu tố cốt lõi là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách bao bì… để vừa bảo vệ sức khỏe người dân của họ, vừa hạn chế hàng nhập khẩu từ nước khác (trong đó có Việt Nam), nhằm hỗ trợ cho sản xuất trong nước.

Việc EU giảm tần suất kiểm tra một số nhóm hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là sự nỗ lực của Bộ Công thương cũng như tham tán thương mại tại khu vực châu Âu trong việc tích cực đàm phán với chính phủ các nước. Kết quả này rất cần các doanh nghiệp cùng nhau nỗ lực gìn giữ, nếu không sẽ dễ bị tái lập tần suất kiểm tra cao hơn.

Trước thực tế trên, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, vốn đã quen với rào cản kỹ thuật chất lượng khắt khe tại nhiều thị trường xuất khẩu nên việc gia tăng thêm các rào cản không phải là trở ngại lớn với doanh nghiệp.

Theo đó, các tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP hoặc ChinaGAP, ThaiGAP... đều tương tự nhau. Tiêu chuẩn GAP, tức “thực hành nông nghiệp tốt”, hay nói đúng ra là không có dư lượng hóa chất trong sản phẩm nông sản. Do vậy, chỉ cần thực hiện trồng trọt rau củ quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… theo tiêu chuẩn GAP là đủ chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng cần đầu tư thêm cho công tác hậu thu hoạch và chủ động dự báo sớm diễn biến của thị trường để doanh nghiệp có kế hoạch chủ động ứng phó.

Nông sản nội địa chất lượng cao bán ở nhiều siêu thị và được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nông sản nội địa chất lượng cao bán ở nhiều siêu thị và được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ngoài đảm bảo tiêu chuẩn GAP thì doanh nghiệp cũng cần chọn lọc những sản phẩm độc đáo, có chất lượng và giá trị gia tăng cao để đầu tư. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội rất lớn cho nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu, cũng như tác động lan tỏa ra các thị trường khác. Đơn cử trước khi EVFTA được ký kết, mặt hàng gạo Việt Nam đã có mặt tại thị trường châu Âu nhưng khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác do chịu mức thuế suất từ 5%-45%.

Hiện tại mức thuế suất này đã trở về 0%. Thế nhưng, ngược lại, EU sẽ luôn tăng độ khó trong hàng rào kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Do đó, doanh nghiệp phải luôn nỗ lực đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể xuất hàng vào EU một cách bền vững.

Ngày 13-6, Bộ Công thương có văn bản số 3648 gửi các doanh nghiệp xuất khẩu mì sang EU thông báo những quy định mới của EU về an toàn thực phẩm.

Theo đó, EU chính thức đưa mì ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ tăng giám sát lên mức 50%.

PHÚC VĂN


Hơn 20 năm - chặng đường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, cũng như của TPHCM, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng 0,4% kim ngạch xuất khẩu của thế giới, xếp hạng ngoài nhóm 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đến nay, xuất khẩu của Việt Nam nâng lên xếp hạng thứ 20 các quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm tỷ trọng 1,49% trên toàn cầu. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 (sau Singapore).

TPHCM được ghi nhận đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực Đông, Tây Nam bộ và của cả nước, là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu về kim ngạch phát triển xuất khẩu.

Nguồn: Bộ Công thương

Tin cùng chuyên mục