Trong khi đó, thương hiệu điện thoại Việt Mobiistar lại đang cho thấy khả năng khi chinh phục thị trường Ấn Độ. Điều này hết sức ý nghĩa, nhất là khi bao năm qua trong ngành công nghiệp điện tử của ta có quá nhiều doanh nghiệp “chết”.
Tham vọng bước vào làng công nghệ của Vingroup thể hiện khá rõ trong thời gian gần đây. Sự kiện gây chú ý nhất là vào tháng 8-2018 Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường đại học và đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ. Mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó mảng công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Doanh nghiệp này xác định 3 hướng phát triển chính trong 10 năm tới. Đầu tiên, sẽ tập trung đầu tư nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ VinSmart. VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm và nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu thế hệ mới. Qua đó VinTech đã thành lập 2 viện nghiên cứu là Viện Dữ liệu lớn và Viện Công nghệ cao Vin Hi-Tech. Mũi nhọn thứ 2 là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City tại Hà Nội, theo mô hình thung lũng Silicon (Mỹ). Đây sẽ là hệ sinh thái toàn diện phục vụ các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, bao gồm khu văn phòng, ăn ở và các công ty dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Hướng thứ 3 là lập quỹ đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu.
Trở lại với ngành di động mà Vingroup đang xây dựng. Hiện các dây chuyền sản xuất di động của DN đã được vận hành cùng mức đầu tư rất “khủng” cả về thiết bị lẫn con người; đến nay đã có các sản phẩm mẫu. Các thông tin nội bộ cho biết, bước đầu Vingroup sẽ sản xuất 2-3 mẫu điện thoại di động ở phân khúc 3 - 5 triệu đồng. Trong thời gian sau sẽ có thêm nhiều sản phẩm hơn với nhiều phân khúc khác nhau và theo tiêu chí hàng Việt giá Việt nhưng chất lượng không thua kém hàng ngoại.
Một chuyên gia nhận định: “Tham vọng của Vingroup là xây dựng cả hệ sinh thái và dùng hệ sinh thái của tập đoàn để tổ chức thực nghiệm, thương mại hóa sản phẩm”. Cho nên, nhìn ở góc hẹp, Vingroup không chỉ sản xuất thiết bị di động mà cả các thiết bị điện tử gia dụng thông minh; còn rộng hơn là cả nhà thông minh, xe thông minh… Tất cả được kết nối trong một.
Khẳng định chỗ đứng
Mobiistar, một nhà sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt, đến nay đã có chỗ đứng vững trên thị trường trước nhiều tên tuổi khác cùng lĩnh vực. Không chỉ có vậy, công ty này đã trình làng tại Ấn Độ 2 smartphone đầu tiên là Mobiistar XQ Dual và Mobiistar CQ tập trung vào tính năng selfie, đã nhận được sự đón chào nồng nhiệt của thị trường.
Ở đây, giá trị công nghệ mà Mobiistar mang đi chinh phục thị trường Ấn Độ là điều đáng nói, đó là các phần mềm chuyên làm camera selfie trên máy ảnh di động, hay các hệ thống ứng được Mobiistar phát triển cũng như hệ thống giám sát, quản lý… vốn đã được tích tụ trong thời gian khá dài ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Mobiistar đã đầu tư hẳn hệ thống SMT (Surface mount technology - công nghệ hàn linh kiện bề mặt) nhằm gắn các linh kiện điện tử trực tiếp lên trên bề mặt bo mạch ngay tại nước sở tại; hay thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp chipset và các nhà thiết kế để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu - phát triển.
Vẫn tiếp tục tiến lên, là tinh thần của Bkav với Bphone. Bphone thế hệ đầu tiên ra đời vào năm 2015 với những tiếng “nổ” vang trời song kết quả kinh doanh không như mong đợi. Đến 2017, hãng tiếp tục cho ra đời thế hệ Bphone 2. Lần này, hãng lắng nghe thị trường hơn, chú tâm đến sản phẩm hơn và đã có những kết quả nhất định với hơn 10.000 chiếc được bán ra.
Nói đến Bphone, thành công lớn nhất của Bkav có lẽ là sự tự cường khẳng định giá trị công nghệ Việt trong thiết kế, sản xuất và cả đầu tư. Điều này càng được tiếp tục khẳng định khi vào tháng 10 đến, Bkav tiếp tục giới thiệu 2 - 3 sản phẩm mới với tầm giá 5 - 10 triệu đồng. Các thông tin cho thấy, những chiếc Bphone thế hệ thứ 3 tiếp tục được hoàn thiện hơn và cũng trên tinh thần làm chủ công nghệ sản xuất di động.
Ba tên tuổi nổi lên ở thời điểm hiện nay trong làng di động Việt nói trên đã phần nào cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc chinh phục công nghệ di động, dù mỗi “nhà” có cách làm, cách tiếp cận và tiêu chí phát triển khác nhau nhưng họ đều khao khát khẳng định sức mạnh Việt.