Giảm giá 10% - 20% sản phẩm thiết yếu
Ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart rất nhiều sản phẩm thiết yếu, tiêu dùng như sữa, dầu ăn, nước mắm, gạo, nui, quần áo, hóa mỹ phẩm… có giá bán giảm 10% - 20%. Đặc biệt, với những sản phẩm nhãn hàng riêng Co.op, nếu mua vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu sẽ được giảm giá rất sâu. Cụ thể, nước nắm giảm từ 20.900 đồng còn 7.900 đồng/chai, hạt nêm giá 32.900 đồng xuống còn 14.900 đồng/gói, bánh phồng tôm giảm từ 9.900 đồng xuống còn 1.900 đồng/hộp.
Chị Nguyễn Thị Hương Thảo (ngụ đường Lý Phục Man, quận 7) cho biết, trong bối cảnh sức ép giá điện, xăng tăng mạnh, kéo hàng loạt giá cả hàng hóa thực phẩm tiêu dùng trên thị trường tăng theo, thì việc bình ổn giá và giảm giá tại các hệ thống siêu thị giúp giảm áp lực rất lớn cho đời sống người dân. Đồng quan điểm với chị Thảo, chị Hoàng Thị Thanh An (ngụ đường Tuy Lý Vương, quận 8) cho biết thêm, nếu theo dõi và mua hàng đúng với dịp khuyến mãi của các hệ thống siêu thị nói chung, người tiêu dùng có thể tiết kiệm khoảng 20% - 30% sinh hoạt phí mỗi tháng.
Ở góc độ khác, bạn Nguyễn Như Ý (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) chia sẻ, lương công nhân trung bình được khoảng 6 - 9 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca mới được thêm 1 - 2 triệu đồng. Đồng lương ít ỏi nhưng các khoản sinh hoạt phí phải chi rất nhiều như tiền ăn, thuê phòng trọ, điện nước… Trong thời gian gần đây, khi giá đất trên địa bàn thành phố tăng cao thì rất nhiều chủ nhà trọ đã tăng giá phòng cho thuê.
Trung bình, giá thuê phòng trọ tăng thêm từ 500.000 - 1 triệu đồng/phòng/tháng, tùy khu vực và chất lượng phòng thuê. Gần đây nhất, giá điện cũng đang leo thang khiến cho mỗi phòng trọ phải trả thêm vài trăm ngàn đồng tiền điện so với trước đây. Do vậy, việc triển khai chương trình tiếp sức người tiêu dùng của DN Việt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng phục vụ cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giúp giảm gánh nặng mưu sinh cho hàng ngàn anh chị em công nhân tại đây.
Tăng cơ hội phát triển thị phần cho hàng Việt
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay trên cả nước có khoảng 20 triệu công nhân lao động; trong đó, có hơn 4 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) ở trên 50 tỉnh, thành phố. Nếu nhìn ở góc độ thị trường, đây được xem là thị trường tiềm năng và tập trung. Do vậy, việc phát triển hệ thống phân phối sản phẩm Việt giúp DN khai thác tốt các thị trường tập trung này giúp giảm chi phí logisctics, hình thành chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt. Mặt khác, cũng hỗ trợ công nhân có điều kiện sử dụng nguồn sản phẩm cung ứng sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá thành tốt nhất.
Về phía Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Công thương triển khai đưa hàng Việt về KCX-KCN. Theo đó, trước tiên sẽ thực hiện khảo sát và tổ chức những điểm bán hàng cố định tại các KCX-KCN. Kế đến, phối hợp với các hệ thống phân phối triển khai các đợt bán hàng giảm giá, phát voucher hoặc bán với mức ưu đãi cao cho công đoàn viên có thẻ khi đến mua hàng tại các điểm trên.
Không dừng lại đó, đại diện Sagon Co.op cho biết, ngoài chương trình hỗ trợ người tiêu dùng tại tỉnh, thành phố lớn, KCX-KCN, nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng đang được đơn vị triển khai. Tính từ năm 2018 đến nay, đã có gần 2.000 chuyến bán hàng lưu động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm gần 1.000 chuyến bán hàng lưu động được triển khai. Những mặt hàng tham gia phục vụ chuyến bán hàng này là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt… với mức giá giảm 5% - 40%.
Có thể thấy, những chương trình tiếp sức người tiêu dùng của DN Việt và hệ thống phân phối hàng Việt đã góp phần bình ổn thị trường và đảm bảo an sinh cho cuộc sống người dân. Ở góc độ cao hơn, chương trình trên còn gia tăng uy tín, thương hiệu hàng Việt tại thị trường nội địa, giúp DN Việt dần khẳng định vị thế của mình tại sân nhà và phát triển bền vững trong thời gian tới.