Đầu năm 2019, báo cáo của hãng bảo mật Kaspersky Lab tại Việt Nam cho thấy doanh nghiệp Việt tích cực đầu tư bảo mật, nhất là ở mảng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Riêng đối với các tổ chức công nghiệp như các nhà máy, dây chuyền sản xuất, Việt Nam xếp hạng đầu với tỷ lệ 9,8%, cách xa so với các quốc gia đứng thứ hạng tiếp theo. Tất cả những thống kê này tiếp tục khiến các giám đốc công nghệ thông tin lo ngại cho mảng bảo mật cũng như các giám đốc điều hành cảm thấy đe dọa cho uy tín và hoạt động kinh doanh của toàn bộ tổ chức.
Còn cuối năm 2017, số liệu khách quan từ các công ty đánh giá về bảo mật lớn trên thế giới đều chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số an toàn an ninh thông tin ở mức kém, nhất là ở khối doanh nghiệp. Trong khi một cuộc tấn công mạng thành công sẽ khiến doanh nghiệp lớn tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD. Trước thực trạng này, nhiều hãng bảo mật có mặt tại Việt Nam đã tích cực chuyển hướng kinh doanh sang khối doanh nghiệp. Trong đó, chiến lược 2018 của Kaspersky Lab tại thị trường Việt Nam là chủ động tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng này. Được biết năm 2018, tại Việt Nam, doanh thu của Kaspersky Lab ở mảng B2B tăng trưởng hơn 200%, đặc biệt khối doanh nghiệp lớn (Enterprise Business) đạt con số ấn tượng với mức tăng trưởng hơn 400%.
Cụ thể hơn, tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư cho bảo mật của các doanh nghiệp Việt Nam, doanh thu của Kaspersky Lab ở mảng B2B tăng trưởng hơn 200% trong 12 tháng qua. Với các sản phẩm, dịch vụ bảo mật cho khối tài chính - ngân hàng và các tập đoàn lớn đa ngành nghề như giải pháp toàn diện chống tấn công có chủ đích APT, IoT Security, cũng như các dịch vụ bảo mật Incident Response, Vulnerability Assessment, Penetration Testing, đào tạo nhận thức ATTT và đặc biệt là đào tạo chuyên gia Security cho thị trường Việt Nam tăng trưởng hơn 400%.
Song song đó, với nhiều hoạt động nhằm năng cao nhận thức về an toàn thông tin, hàng loạt hoạt động cũng diễn ra và điển hình, Kaspersky Lab đã hỗ trợ tư vấn về bảo mật liên quan đến hoạt động diễn tập an toàn thông tin phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm triển khai đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng tại các cơ quản Đảng và Nhà nước, bên cạnh các giải pháp cho doanh nghiệp.
Ông Siang Tiong Yeo, Giám đốc Điều hành Kaspersky Lab SEA, chia sẻ: “Vấn đề làm thế nào để quản lý dữ liệu, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất là điều không hề đơn giản. Vì vậy nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kế hoạch và ngân sách đầu tư hệ thống an ninh mạng trong năm 2019 với sự tư vấn chuyên môn từ Kaspersky Lab. Chúng tôi rất tự hào vì luôn được khách hàng tín nhiệm và luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp với những giải pháp bảo mật mạnh mẽ nhất”.
Từ con số tăng trưởng mạnh mẽ của Kaspersky cho thấy, đây là tín hiệu rất đáng mừng trong nhận thức về bảo mật của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vì khi các công nghệ mới càng được ứng dụng sâu vào các quy trình kinh doanh thì nguy cơ nó trở thành điểm yếu của doanh nghiệp càng cao. Còn nhìn rộng hơn, trước làn sóng công nghệ 4.0, xu hướng ứng dụng các công nghệ mới như chuyển đổi số, IoT, Big Data hay trí tuệ nhân tạo, Blockchain đang ngày càng trở nên phổ biến, Việt nam hiện là quốc gia đang có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực.
“Đây vừa là lợi thế cũng là thách thức, Việt Nam sẽ trở thành đích ngắm của tội phạm mạng ngày một nhiều hơn. Do đó, chủ động phòng ngừa và tăng cường bảo mật là điều vô cùng cần thiết… nên hứa hẹn trong năm 2019, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho bảo mật sẽ gia tăng về chất lẫn lượng, hơn nữa bảo mật thông tin cho các doanh nghiệp là đầu tư cần thiết và quan trọng có tính sống còn, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững…”, đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nhận định.