Các chuyên gia tại cuộc tọa đàm |
Thông tin này được nêu ra tại cuộc tọa đàm phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP do Bộ Công thương tổ chức ngày 27-9 tại Hà Nội.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), thực chất nói về Hiệp định CPTPP, chúng ta chủ yếu nói về 3 thị trường mà chúng ta chưa có FTA nào khi CPTPP có hiệu lực. Đó là Canada, Mexico và Peru. Còn các thành viên còn lại, chúng ta đã có quan hệ FTA song phương, ví dụ như Nhật Bản, đa phương như Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia.
Sau gần 5 năm thực thi, nhiều thị trường đã có tăng trưởng ấn tượng, chẳng hạn như Canada, Mexico. Thặng dư thương mại mà chúng ta có được từ 2 thị trường này thường chiếm từ 1/3 đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia.
Tuy gia tăng mạnh về số lượng và giá trị xuất khẩu, nhưng hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) phát biểu tại tọa đàm |
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, hiện nay, người tiêu dùng ở các nước như Canada, Mexico, Peru cũng đã biết đến một số sản phẩm của Việt Nam như gạo, cà phê… nhưng cũng chỉ là một vài thương hiệu trong từng nhóm và cũng chỉ nắm chung chung, thực ra các sản phẩm này chưa xuất hiện nhiều trên các kệ ở siêu thị hay trong tâm trí của người tiêu dùng tại các nước là thành viên CPTPP, nhất là tại các thị trường mới.
Theo ông Ngô Chung Khanh, chính tình trạng kém thương hiệu, bỏ rơi thương hiệu đã dẫn đến thị phần còn hạn hẹp, nhiều dư địa chưa được khai thác. “Có những mặt hàng, hiện nay, chúng ta chỉ chiếm được khoảng 3-5% thị phần”- ông Khanh nói. Theo ông, rõ ràng với những thị trường có sức tiêu thụ lớn như Canada và Mexico thì đó là những con số mà chúng ta cần phải suy nghĩ về làm thế nào để nâng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các thị trường đó cho hiệu quả.
Mổ xẻ nguyên nhân hàng Việt Nam kém thương hiệu, ông Khanh cho rằng do doanh nghiệp của chúng ta “ngại xây dựng thương hiệu” và nhiều doanh nghiệp thường có tâm lý “an phận thủ thường” (dễ hài lòng với chính mình).
Đại diện Bộ Công thương cũng nêu thêm một ví dụ về một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại TPHCM, tại sao không “làm hàng thương hiệu” thì được trả lời là chỉ làm hàng gia công, cứ có nhà nhập khẩu đến yêu cầu là nhận làm sản phẩm cho họ, dán nhãn mác của họ. Như thế là đủ. Bởi vì số lượng họ đặt rất lớn nên doanh nghiệp này không có động lực để làm thêm hàng thương hiệu nữa.
Thừa nhận số lượng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bằng thương hiệu riêng hiện nay đang rất khiêm tốn, nhất là với các thị trường CPTPP, tuy nhiên, bà Trịnh Huyền Mai, Phó trưởng Phòng Chính sách xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương) lại nêu quan điểm, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu bằng thương hiệu riêng không phải là câu chuyện của tất cả các doanh nghiệp, mà vấn đề này chỉ dành cho các doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có khả năng, có sự hiểu biết thị trường và có chiến lược bài bản.
Mặc dù vậy, bà Mai đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các bộ, ngành, hiệp hội triển khai và tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới.
“Ngoài việc đầu tư chiến lược thương hiệu thật bài bản, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài”- bà Mai đề nghị.