Tại cuộc tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” diễn ra ngày 30-10, các chuyên gia nhận định, sau ba năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh tăng trưởng ấn tượng, bất chấp những khó khăn chung từ tình hình kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu tăng nhờ UKVFTA
Theo ông Vũ Việt Thành, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia đã tăng trưởng trung bình 8,9% mỗi năm. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt mức tăng trưởng 9,4% (một phần lớn nhờ vào những ưu đãi mà UKVFTA mang lại).
Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Anh như dệt may, da giày, cơ khí, thủy sản đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 12% đến 19%. Đặc biệt, thủy sản như tôm và cá tra đã được hưởng lợi lớn nhờ thuế nhập khẩu về 0%, giúp mặt hàng tôm chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Anh, còn cá tra chiếm 20%.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, đây là lợi thế rất lớn cho thủy sản Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt mở rộng sự hiện diện tại thị trường Anh. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi theo giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đã đạt trên 30%, cho thấy sự tăng trưởng ổn định và khả năng thích nghi tốt của doanh nghiệp với các lợi thế từ UKVFTA.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để xuất khẩu vào thị trường này, nhưng các doanh nghiệp của chúng ta chưa khai thác hết. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp Việt chưa thực sự tập trung xây dựng thương hiệu riêng và còn thiếu chiến lược tiếp cận thị trường Anh một cách hiệu quả.
Các chuyên gia khuyến nghị gì?
Ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu Tham tán công sứ tại Vương quốc Anh, cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được các nguồn thông tin quan trọng để phân tích thị trường, đặc biệt là các nguồn miễn phí như trang companieshouse.gov.uk - nơi cung cấp dữ liệu chi tiết về doanh nghiệp tại Anh.
Ông nhấn mạnh, ngay cả với những đối tác truyền thống, việc kiểm tra tình hình tài chính vẫn là điều cần thiết để tránh rủi ro. Ông Cường dẫn chứng về trường hợp một doanh nghiệp Việt, do chủ quan trong khâu kiểm tra tài chính, đã gặp rủi ro lớn khi đối tác lâu năm tại Anh lâm vào tình trạng phá sản.
Ông Vũ Việt Thành bổ sung, UKVFTA không chỉ giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt phát triển toàn diện và trưởng thành thêm.
Ông Thành chỉ ra 5 tác động tích cực mà hiệp định này đã mang lại, trong đó có: lợi ích xuất khẩu, sự tăng trưởng của hàng hóa Anh tại Việt Nam, sự tăng cường đầu tư từ Anh, tác động về thể chế và đặc biệt là nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt. Theo ông, việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong tương lai gần.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, các chuyên gia tại tọa đàm đề nghị các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược xúc tiến thương mại bài bản, tận dụng công nghệ để tối ưu chu trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và xây dựng liên kết thị trường.
Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu và xu hướng tiêu dùng tại thị trường Anh để nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị phần hàng Việt.
UKVFTA và CPTPP không chỉ là cơ hội thương mại mà còn là động lực để doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong nước.