Tại hội thảo, bà Mary Ng, Bộ trưởng Phụ trách Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada, cho biết phái đoàn thương mại Canada sang Việt Nam lần này có gần 200 doanh nghiệp. Doanh nghiệp Canada đang coi Việt Nam là thị trường rất quan trọng để có thể đặt chân vào ASEAN, mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Bà khẳng định phía Canada sẽ luôn làm những việc cần thiết để hỗ trợ hoạt động thương mại giữa hai bên. Bà đánh giá các buổi đối thoại như hội thảo lần này là sự vun đắp, bắc cầu để quan hệ thương mại giữa Canada và Việt Nam ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM nhìn nhận hiện nay CPTPP mang đến cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp hai bên. Do nền kinh tế hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau, nên quan hệ giao thương càng thuận lợi để phát triển. Việt Nam là cửa ngõ để hàng hóa Canada đi vào thị trường khu vực. Ông cam kết Cục Hải quan TPHCM luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại hội nghị, doanh nghiệp hai bên đã đặt nhiều câu hỏi để Cục Hải quan TPHCM và cơ quan biên mậu Canada trả lời. Trong đó, có các nội dung về thực thi hiệp định CPTPP trong xuất xứ hàng hóa; kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu; biểu thuế xuất nhập khẩu trong CPTPP…
Trước cộng đồng doanh nghiệp hai bên, đại diện phía cơ quan thương mại Canada giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh – nơi có tới 15 hiệp định thương mại tự do, áp dụng các nguyên tắc minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt đối xử.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Canada và các thị trường CPTPP đã tăng 34% từ năm 2018 đến nay. Bất chấp đại dịch, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Canada và các thị trường CPTPP vẫn tăng 59 tỷ USD. Lợi ích còn có thể tăng thêm đáng kể khi kết nạp thêm thành viên vào CPTPP.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Canada đạt 14 tỷ USD. Trong đó Canada xuất khẩu sang Việt Nam đạt 776 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, thịt, phân bón... Phía Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (hải sản, hạt điều, cà phê, tiêu...), thiết bị điện, điện tử, linh kiện máy tính… Tháng 2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Canada mở văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, từ khi CPTPP có hiệu lực, xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp giữa Canada và các nước tăng rất mạnh và phía Canada rất mong muốn thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực này.