Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng tới 7,5% và sản lượng trứng gia cầm đạt gần 7 tỷ quả, tăng 11,4%. Nhiều nơi chăn nuôi heo bị dịch bệnh, các chủ trại đang ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Nhanh nhạy chuyển dịch có mặt lợi là sớm đáp ứng nguồn thịt thay thế, nhưng ồ ạt và tự phát sẽ gây hậu quả khi “cung” vượt “cầu”.
Mổ xẻ cơ cấu các loại sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, “tỷ lệ vàng” ở nhiều quốc gia là heo chiếm khoảng 40%, đàn gia cầm khoảng 40%, còn lại các sản phẩm khác chiếm khoảng 20%. Nhưng ở Việt Nam hiện nay thì heo lại chiếm tới 70% cơ cấu sản lượng thịt, trong khi gia cầm chỉ có khoảng 20%, trâu bò chiếm khoảng 7%, còn lại là các loại thịt cá khác. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương nâng tỷ lệ gia cầm và đại gia súc trong cơ cấu các loại thịt, nhưng cũng chỉ tăng thêm khoảng 7% đối với gia cầm và thêm 5% đối với bò thịt. Còn nếu tăng nóng thịt gia cầm thì lại gây nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi.
Trong khi đàn gia cầm trong nước đang đứng trước nguy cơ tăng nóng, khủng hoảng thừa, thua lỗ kéo dài thì hiện nay, “rủi ro kép” lại đang khiến các nhà đầu tư lẫn chủ trại phải đối mặt khi giá gà Mỹ nhập vào Việt Nam rẻ đến ngỡ ngàng.
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 62.400 tấn thịt gà các loại từ Mỹ về Việt Nam, với giá trị nhập khẩu là 48,6 triệu USD. Tính trung bình, thịt gà Mỹ về Việt Nam chỉ dưới 18.000 đồng/kg. Dự báo, những tháng cuối năm, lượng nhập khẩu có thể gia tăng nếu các loại nông sản ở Mỹ còn khó khăn về đầu ra.