Chủ trì hội thảo gồm: PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM; ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA); nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến ở nhiều điểm cầu trên cả nước.
Từ điểm cầu Hà Nội có các đại biểu: ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT; bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương; ông Phạm Minh Tuân, Trưởng phòng nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường.
Tại điểm cầu TPHCM và các tỉnh thành có các đại biểu: ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC); Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op); lãnh đạo sở ngành các tỉnh Cà Mau, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Nai.
Đại diện đơn vị đồng hành có: ông Lê Duy Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn; ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketting Công ty Cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn.
Xây dựng thương hiệu cần gắn liền với phát triển xanh, phát triển bền vững
Kết lại chương trình hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường trân trọng cảm ơn sự tham gia và đóng góp các ý kiến tâm huyết, quý báu của các đại biểu cho hội thảo.
Nhà báo Phạm Trường đúc kết, qua hội thảo có thể thấy việc xây dựng thương hiệu hàng Việt đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, từ ý tưởng, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, sự phối hợp tạo sức mạnh toàn diện để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, qua các ý kiến có thể thấy xây dựng thương hiệu cần gắn liền với phát triển xanh, phát triển bền vững. Lâu nay sản xuất chỉ hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà chưa chú trọng đến tạo giá trị chuỗi sản phẩm, không chỉ ý nghĩa về vật chất, mà còn ý nghĩa văn hóa, tinh thần.
Báo SGGP sẽ ghi nhận đầy đủ, chuyển tải các ý kiến tại hội thảo qua các kênh truyền thông, chuyển đến các cơ quan chức năng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị để cùng nhau xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp bằng các việc làm cụ thể, thiết thực.
Hội thảo của Báo SGGP kịp thời nắm bắt vấn đề để hỗ trợ doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng đánh giá, hội thảo rất hay, kịp thời nắm bắt các vấn đề thời sự để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…
Theo ông Dũng, TPHCM đang phấn đấu để trở thành “đầu tàu kinh tế” với các nghị quyết đặc thù, quy hoạch… Tuy vậy, với chủ đề hôm nay, vẫn chưa thấy giải pháp đột phá. Công tác nghiên cứu và phát triển rất quan trọng, tạo hành lang nghiên cứu đưa doanh nghiệp “đi đến nơi về đến chốn”.
“Chúng ta dễ bị chạy theo xu thế, nhưng sau đó bị chậm trễ… Do vậy, cần vận động doanh nghiệp có sự chăm chút đầu tư, nghiên cứu xứng đáng”, ông Dũng nói.
Về phía Nhà nước, theo ông Dũng, công tác nghiên cứu về lập pháp rất quan trọng để tháo gỡ cho chính mình, để giúp chuyển đổi xanh… Nghiên cứu đơn lẻ rất khó; cần có nhóm nghiên cứu và phát triển đồng bộ, mang tính sắc lệnh, chứ không thể mỗi ban ngành nghiên cứu lẻ mẻ. Làm sao để những doanh nghiệp có đóng góp GDP lớn vươn tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, chính quyền phải xử lý mạnh, dẹp triệt để các doanh nghiệp sản xuất “đội lốt” thương hiệu Việt Nam. Trên hết, cần có sự đầu tư, vào cuộc của các cơ quan chuyên trách.
Phát biểu tại hội thảo, TS Lý Hoàng Vũ, Đại học Lille Pháp kể về thực tế ở châu Âu, khi người dân tập trung trước các công ty để phản đối việc làm ăn với các đối tác không tuân thủ ESG. Do vậy, việc tuân thủ ESG là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp vươn ra biển lớn.
"Thống kê cho thấy Việt Nam 97% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, phải đối mặt với ma trận thông tin với nhiều tổ chức, nhiều tiêu chuẩn khác nhau… Doanh nghiệp cần có một vài đầu mối tin cậy để thực hiện", TS Lý Hoàng Vũ nói.
Theo ông Trần Nhật Thoại, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đồng Nai, giải pháp bảo vệ thương hiệu Việt là nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về thương hiệu sản phẩm, không mua hàng giả, hàng nhái; nâng cao sự hiểu biết cho doanh nghiệp; tuyên truyền quảng bá, khuyến khích doanh nghiệp không ngừng đổi mới, đầu tư trang thiết bị, sản xuất mặt hàng có chất lượng.
Doanh nghiệp nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm mình sản xuất; cần tạo lập liên kết với các hệ thống phân phối uy tín lớn để quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng cũng cần phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về những điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái…
Sản phẩm Việt cần nhân tố mới, tạo nét mới để thương hiệu Việt đi xa hơn
Trăn trở với vấn đề xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), đặt vấn đề, phải chăng cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt để đi xa hơn. Nhân tố mới đó, theo ông, chính là yếu tố “xanh”.
Như câu chuyện của ngành dệt may Bangladesh đã thành công trong xây dựng thương hiệu “dệt may xanh”. Với Việt Nam, đây là câu chuyện đáng suy nghĩ. Để quá trình xanh hóa diễn ra, quan trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của quá trình xanh hóa, cần khẳng định rằng, nếu không xanh hóa thì không có tương lai – như trình bày của PGS-TS Nguyễn Hồng Quân ở đầu hội thảo. Cho nên, phải chuyển đổi xanh, tạo nội lực mềm cho doanh nghiệp, đón đầu cho tương lai.
Qua ý kiến các doanh nghiệp, có thể thấy quá trình xanh hóa đòi hỏi quyết tâm rất lớn, sự kiên trì của doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. “Chúng ta cần một rừng xanh - cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp”, ông Hòa nói. Khi nói đến rừng cây xanh, không chỉ có vai trò chính của doanh nghiệp, mà còn có vai trò quản lý của Nhà nước. Vì để doanh nghiệp chuyển đổi xanh bắt buộc phải đầu tư.
Ngoài nguồn lực con người, lãnh đạo thì nguồn lực lớn khác là nguồn vốn. TPHCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%. Ông Hòa kiến nghị UBND TPHCM sớm ban hành quyết định triển khai nghị quyết này để tạo điều kiện nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Các tổ chức tài chính quốc tế cũng rất quan tâm việc này. Doanh nghiệp cũng mong muốn phát hành trái phiếu xanh nhưng trong bối cảnh trái phiếu thời gian qua, để người dân tin tưởng mua trái phiếu xanh, cũng cần có sự dẫn dắt, vốn mồi từ các định chế tài chính của Nhà nước. Tức là tạo nhiều kênh để tạo nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể huy động được nguồn lực cho chuyển đổi xanh
HFIC được giao làm đầu mối cho vay và hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 09. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ, lập tổ công tác để thực hiện, đang chờ quyết định của UBND TPHCM để chính thức triển khai.
Giải pháp công nghệ số là phù hợp nhất hiện nay
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nhìn nhận, hiện vấn đề thương hiệu đang được cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, ngành, người dân rất quan tâm. Thực tế những năm qua, từ giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025, TP Cần Thơ đều có kế hoạch triển khai Đề án xây dựng nhãn hiệu cho các loại nông sản chủ lực của địa phương như: mãng cầu, bưởi. Đặc biệt từ 2018 đến nay, chương trình OCOP giúp thúc đẩy công nghiệp chế biến ở khu vực nông thôn, gắn với các nhãn hiệu.
Trong lĩnh vực nông sản, quy mô sản xuất còn manh mún, công nghiệp chế biến cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Ở Cần Thơ có nhãn hiệu mãng cầu Thới Hưng quy mô vài chục ha, nhưng mùa vụ thu hoạch chỉ mấy ngày. Nên dù quy trình làm rất tốt thì sản phẩm cũng không ra được thị trường, do vậy để phát triển từ nhãn hiệu thành thương hiệu cũng khó khăn.
Sở NN-PTNT Cần Thơ kiến nghị, giải pháp công nghệ số là phù hợp nhất hiện nay để thúc đẩy minh bạch sản xuất; thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với vùng trồng, tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn. Để tạo thành thương hiệu, sản phẩm phải có mặt thường xuyên liên tục trên thị trường, do đó vấn đề lưu trữ, phân vùng sản xuất để khắc phục yếu tố mùa vụ cần được chú ý. Ông Nghiêm cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan có đề án cụ thể để phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến rau quả ở ĐBSCL. Gắn với công nghiệp sẽ thúc đẩy các vùng trồng xây dựng thương hiệu cụ thể. Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao ở ĐBSCL là đề án hình mẫu, để từ đó các ngành hàng như rau, củ, trái cây có được nông sản dồi dào để xây dựng thương hiệu ở ĐBSCL.
Đẩy mạnh liên kết chuỗi kết nối cung cầu
Ông Trần Hoàng Khởi, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho rằng: Những năm gần đây, các sở, ngành, địa phương của tỉnh luôn quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương (đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp). Toàn tỉnh hiện có 142 sản phẩm của 68 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 29 sản phẩm OCOP 4 sao và 113 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đến nay, toàn tỉnh có 110 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 28 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Đối với các nhãn hiệu hàng hoá thông thường mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đăng ký, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.350 đơn nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ nhãn hiệu và đã có trên 950 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ, đây cũng là số lượng tương đối khá so với bình quân chung khu vực.
Về chỉ dẫn địa lý, đã có 2 sản phẩm nông sản của tỉnh được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cà Mau là sản phẩm Tôm sú Cà Mau và Cua Cà Mau; đang triển khai thực hiện Dự án cấp quốc gia xây dựng chỉ dẫn địa lý sò huyết Cà Mau và sẽ xúc tiến triển khai thêm việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản khác của tỉnh.
Tuy vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn trong quản lý, sử dụng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu (kiến thức pháp luật, thị trường - marketing, kỹ năng kiểm soát nội bộ, ban hành văn bản phục vụ quản lý nội bộ...); việc hỗ trợ xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu thương hiệu đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương chưa được quan tâm….
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản; tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra cho các sản phẩm mang nhãn hiệu…
Ông Phạm Minh Tuân, Trưởng phòng nghiệp vụ 3, Tổng cục quản lý thị trường cho biết: Thương hiệu rất quan trọng. Hàng ngày, chúng tôi giải quyết hàng loạt vụ việc liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ trong các công ty, đơn vị… Đối với thị trường nội địa, hàng giả hàng nhái diễn ra rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Đối tượng vi phạm không bán trực tiếp, tràn lan trên thị trường như trước đây mà chuyển sang tập kết hàng hóa tại các kho hàng, nhà riêng. Từ đó, hàng hóa được đưa lên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội như Tiktok, Zalo, Facebook…; sau đó giao hàng đến tận tay người tiêu dùng.
Trong năm qua, chúng tôi đã có nhiều kế hoạch thanh tra, giám sát hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại; trong đó có phối hợp với các địa phương, lực lượng liên ngành. Năm 2023 và quý 1-2024, quản lý thị trường cả nước đã thanh tra hơn 74.000 vụ, xử lý gần 56.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Riêng quý 1-2024 xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách hơn 38 tỷ đồng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hàng dỏm thẩm lậu vào thị trường, rất cần có sự phối hợp của chính các doanh nghiệp và sự vào cuộc của toàn xã hội. Nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng nhái, không tiếp tay mua bán, tiêu dùng hàng dỏm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành chức năng để bảo vệ thương hiệu…
Chứng nhận “công trình xanh” được đề xuất vào các tiêu chí khuyến khích
Cũng từ điểm cầu Hà Nội, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương hoan nghênh Báo SGGP tổ chức hội thảo lần này, đây là chủ đề hay, có ý nghĩa thiết thực đặc biệt trong bối cảnh thương mại xanh hiện nay.
Nhấn mạnh việc phát triển thương mại xanh, bà Nga cho biết, Thủ tướng đã có Quyết định 1163 ngày 13-7-2021 phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cụ thể hóa chiến lược này, Bộ Công thương đề ra mục tiêu về phát triển thương mại xanh giai đoạn đến năm 2025 là thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu, bia, nước giải khát, giấy....
Đồng thời, 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững và các mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn tiết kiệm năng lượng và các nhãn sinh thái khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Triển khai các nhiệm vụ về phát triển thương mại xanh, năm 2023-2024, trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại các loại hình hạ tầng thương mại ở Việt Nam”, nhóm nghiên cứu - Vụ Thị trường trong nước đã đề xuất Bộ tiêu chí phân loại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi bao gồm các tiêu chí bắt buộc và khuyến khích, tiêu chí được chứng nhận “công trình xanh” đã được đề xuất vào các tiêu chí khuyến khích.
Tiêu dùng xanh không phải chủ đề mới với ngành công thương, đã được triển khai từ lâu. Việc dán nhãn năng lượng với đồ gia dụng đã triển khai rất thành công trong 10 năm qua.
Theo bà Nga, việc tạo ra được cộng đồng để ủng hộ cho mục tiêu đó là rất cần thiết. TPHCM những năm qua triển khai các chủ trương rất thành công, rất mong TPHCM sẽ có những chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai cho những chủ trương lớn này thấm nhuần vào cộng đồng doanh nghiệp.
“Các chương trình của Báo SGGP là rất cần thiết, để người tiêu dùng nhận biết và sử dụng. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có những bước tiến đáng mừng, đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với 2022, xếp 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Để xây dựng được thương hiệu hàng Việt, cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành, từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Việt Nam phải tạo được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn
Dự hội thảo từ điểm cầu Hà Nội, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT đồng tình với những hạn chế, khó khăn của hàng hóa nông sản xuất khẩu Việt Nam được đề cập tại hội thảo.
Việc sản phẩm Việt phải thông qua thương hiệu của các nước khác, hoặc xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến, theo ông Cường, đây là vấn đề chung của các nước xuất khẩu nông sản, nhưng kéo dài bao lâu phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và khát khao, quyết tâm hành động của doanh nghiệp. Bởi việc xây dựng thương hiệu do doanh nghiệp quyết định, còn Nhà nước là bà đỡ, chứ bản thân Nhà nước không thể tự xây dựng thương hiệu. Thương hiệu - nội lực mềm của nông sản Việt Nam không chỉ là nội lực của doanh nghiệp mà là nội lực quốc gia. Khi xây dựng được thương hiệu thì người tiêu dùng có thể cảm nhận được cả văn hóa, con người Việt Nam, chứ không chỉ là hàng hóa cụ thể. Trồng trọt chiếm khoảng gần 50% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Hơn 26 tỷ trong số 54 tỷ đồng xuất khẩu nông sản.
“Về mặt sản xuất, chúng ta làm tốt nhưng không đảm bảo được chất lượng ổn định. Nông sản khác với sản xuất công nghiệp là vậy, nay có mai không thì không thể xây dựng được thương hiệu. Giá cả không ổn định cũng rất khó cho thương hiệu”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, Việt Nam phải tạo được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đồng nhất áp dụng các chương trình canh tác xanh, tuần hoàn, có chứng nhận. Về phía ngành trồng trọt đã làm gì để tạo nền tảng cho doanh nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là manh mún, tự phát, quy mô bình quân ruộng đất 0,2-0,3ha, trong khi ở châu Âu các trang trại hàng trăm, hàng ngàn ha tự động hóa, thì sản phẩm tạo ra hoàn toàn khác so với Việt Nam. Để khắc phục việc này, tạo sự ổn định về số lượng, chất lượng, giá cả, thì bộ tập trung tổ chức lại sản xuất; chuyển giao quy trình công nghệ, để người nông dân nắm bắt được; liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp. Vì quy mô sản xuất nhỏ thì phải liên kết với nhau mới tạo được quy mô sản xuất lớn.
Với lúa, bộ đã trình Chính phủ ban hành quyết định 1490 về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL. 90% lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam là từ ĐBSCL. Hướng tới việc chứng nhận là gạo sản xuất xanh và giảm phát thải chính là visa để gạo Việt đi vào các thị trường yêu cầu cao.
Tương tự, Việt Nam là nước xuất khẩu thứ hai thế giới về cà phê, nhưng cũng còn hạn chế. Chúng ta đã ban hành các quy trình sản xuất để giảm vật tư đầu vào, tuần hoàn. Với sản xuất cà phê, khoảng 40% đã được chứng nhận.
Bước ra thế giới, người ta quan tâm đến sản phẩm Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin cho biết: Thương hiệu gạch bông Secoin với truyền thống từ năm 1910. Đây là sản phẩm thuần Việt được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật độc đáo từ bàn tay người nghệ nhân Việt Nam và về những giá trị lịch sử, văn hóa qua nhiều thế hệ. Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Tây Ban Nha, Ma rốc, Mexico, Brazil,… Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã và đang nỗ lực để khẳng định tên tuổi của mình, cũng như lan tỏa thương hiệu Việt ra thế giới.
Cần hiểu rằng, thương mại bền vững xảy ra khi trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tạo ra lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững (như tạo ra giá trị kinh tế; giảm nghèo và bất bình đẳng; bảo tồn và tái sử dụng tài nguyên môi trường). Bên cạnh đó, 4 tiêu chí thương hiệu quốc gia gồm chất lượng sản phẩm, tính độc đáo, tính đích thực, sự sẵn lòng mua sản phẩm. Nội lực mềm của doanh nghiệp được đánh giá cao. Tại Secoin, tính độc đáo là hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới, cung ứng những sản phẩm đạt chuẩn, thân thiện môi trường, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc… Với các sản phẩm handmade, tôi thấy rất hiệu quả, được khách hàng quốc tế quan tâm nhiều.
Khi ra thế giới, người ta quan tâm đến sản phẩm Việt Nam, chứ không quan tâm đến từng thương hiệu. Với doanh nghiệp cũng vậy và đó chính là yếu tố thương hiệu quốc gia. Tiếp đến là câu chuyện về thương mại xanh, chúng tôi là một mắt xích trong chuỗi sản xuất xanh. Yêu cầu để sản phẩm đứng vững và phát triển trên quy mô toàn cầu cần phải an toàn, có khả năng tái tạo, được sản xuất có trách nhiệm (với bản thân, người lao động), sản phẩm sử dụng lâu bền (hạn chế sản phẩm dùng nhanh, xả thải ra môi trường, vòng đời sản phẩm ngắn)…
Mặc dù chúng ta đang tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu, nhưng vẫn chịu sự cạnh tranh khốc liệt… Chính vì vậy, rất cần đặt chiến lược tư duy tuần hoàn để phù hợp với công nghệ, thị trường… Thách thức lớn nhưng cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất lớn. Sản phẩm của chúng ta xanh, tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp xanh, góp phần lan tỏa thương hiệu Việt. Có thể dẫn chứng trường hợp cộng đồng ngành dệt may Bangladesh đã nhanh chân trong chuỗi xanh hóa khiến ngành dệt may của chúng ta bị mất cơ hội. Nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí thì bây giờ xanh hóa nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Khi ta có sản phẩm xanh, ta dễ dàng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và đây cũng là tấm “hộ chiếu xanh” quyền lực toàn cầu cho doanh nghiệp.
Không thể đi một mình khi vào các thị trường lớn và khó tính
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketting Công ty Cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết, qua 50 năm thăng trầm, SCC vẫn giữ được bản sắc riêng.
Theo ông Dũng, SCC rất quan tâm và tập trung chất lượng sản phẩm. Nếu không đủ chất lượng thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài, vì mỗi thời kỳ, giai đoạn, hình thức phân phối, bán lẻ có nhiều hình thức khác nhau.
Vài chục năm trước, các cửa hàng tạp hóa là kênh phân phối chính. Nhưng hiện nay có rất nhiều chuỗi kinh doanh, thương mại điện tử ngày càng có nhiều phương pháp tiếp cận chính xác hiệu quả hơn.
SCC cũng không nằm ngoài xu thế này. SCC có thương hiệu nước hoa Miss Sài Gòn là sản phẩm mang yếu tố rất Việt Nam, từ bao bì áo dài nón lá, hay thương hiệu dầu gội Fresh phát triển hơn 30 năm qua. SCC đã liên tục đổi mới để phát triển đến ngày hôm nay.
Trong đó, SCC đưa vào nhiều thành phần nguyên liệu của Việt Nam, như dầu gội Fresh mới ra mắt dòng sản phẩm có hơn 20 nguyên liệu nguồn gốc thiên nhiên, phần lớn là nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam như bồ kết, gừng, bưởi…
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, hướng đi của SCC là sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu, để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ đáp ứng được ngay các tiêu chuẩn.
Ông Vương Ngọc Dũng cũng chia sẻ thêm định hướng của SCC. Đơn vị hiện đang xâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và đang nghiên cứu thị trường Ấn Độ.
“Chúng tôi không thể đi một mình khi vào các thị trường lớn và khó tính. Cần có những đối tác để tạo nên sức mạnh lớn hơn. Doanh nghiệp chúng tôi cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan Chính phủ, cũng như các chính sách hỗ trợ cho các thương hiệu Việt chinh phục thị trường nước ngoài”, đại diện SCC nói.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân: "Tương lai là xanh hoặc không có tương lai!"
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM khẳng định: Kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai. Các nội dung cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn có thương mại xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh…
Báo cáo của Grand View Research Group 2022, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 22,4% từ năm 2022 đến năm 2030.
Đối với nước ta, có các đề án, chương trình hành động quốc gia, tham gia các hiệp định thương mại tự do… vào nền kinh tế xanh toàn cầu; tuy vậy, ta đang gặp nhiều thách thức, liên quan đến nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, nguyên vật liệu, điện… Các nghiên cứu gần đây của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho thấy yêu cầu về thương mại xanh đang cấp thiết, rõ ràng; xu hướng tiêu dùng xanh rất quan trọng, các khách hàng ngày càng quan tâm về vấn đề này…
Khảo sát của McKinsey năm 2022 cho thấy, khoảng 63% người tiêu dùng cân nhắc yếu tố phát triển bền vững của các thương hiệu khi ra quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, các công ty có tác động ESG lớn (tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) sẽ có cơ hội phát triển cao hơn.
Một số thương hiệu lớn trên thế giới đã và đang có lợi thế thương hiệu xanh mang lại. Chẳng hạn như Toyota đã có những giải pháp cụ thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng (tôn trọng môi trường, ngăn ngừa hiện tượng nóng lên toàn cầu và không gây ô nhiễm không khí); hay như Vinamilk cũng thế, thuộc nhóm phát triển bền vững, duy trì phát triển thương hiệu xanh, với dòng vốn ngoại ổn định. Cách tiếp cận của Vinamilk khá giống Nestle, vừa phát triển, bảo vệ môi trường…
Kinh tế tuần hoàn hỗ trợ thương hiệu xanh ra sao? Trách nhiệm của nhà sản xuất, hướng tới net zero, giúp cho hệ sinh thái trong doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối với yếu tố truyền thông cũng rất quan trọng, thông qua kể lại những câu chuyện thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng…
Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế. Các mô hình kinh tế tuần hoàn có thể cung cấp giải pháp trong việc huy động nguồn lực, thực hiện đa mục tiêu, đa nguồn lực.
Để doanh nghiệp Việt ngày càng “xanh” hơn, rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành; cần sự tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành; lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương. Thêm nữa, cần có đề án cụ thể cho TPHCM, tuy nhiên áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất…
Hàng Việt đang phát triển theo đúng xu thế trên thế giới
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho biết ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay có quy mô thị trường bán 142 tỷ đô và dự báo có thể tăng 350 tỷ đô vào năm 2025.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, hiện nay, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan toả và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trong nước, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới. Những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với thị trường thế giới, hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Hàng Việt cũng đang dần theo hướng “xanh” rất mạnh mẽ. Hàng Việt cũng đã tận dụng được những cơ hội mới, như các hiệp định thương mại tự do.
Ông Nguyễn Anh Đức nêu ra 4 đề xuất nhằm nâng cao năng lực cung ứng và vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới:
Một là, cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, sản phẩm OCOP cũng cần được quy hoạch rõ ràng, phân bố hợp lý chứ không phải người người nhà nhà làm OCOP, chẳng hạn xoài có tới hơn 40 sản phẩm OCOP, không biết nơi nào là đặc trưng.
Quy hoạch lại sản phẩm nào cho thị trường. Qua khảo sát nhận thấy ở mỗi thị trường nước ngoài, hàng Việt chỉ đang chiếm dưới 2% hàng nhập khẩu vào nước họ. Muốn tăng lên 5-7% thì phải có quy hoạch để có sản phẩm mũi nhọn.
Hai là, định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. Khi đặt câu hỏi cho người tiêu dùng khi nghĩ đến Việt Nam thì nghĩ đến sản phẩm gì thì người tiêu dùng không nghĩ ra được sản phẩm nào mang tính nổi trội đặc trưng của Việt Nam. Do đó, phải đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Ba là, phải có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt. Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam hiện nay rất manh mún, dù tốc độ phát triển luôn hơn 20%, thuộc loại cao trong khu vực. Nhưng thực tế các đơn vị TMĐT ở Việt Nam không ăn nên làm ra do phát triển manh mún, đại trà. Cần phát triển TMĐT để nâng bước cho hàng Việt, cùng với logistics, hạ tầng, phát triển vùng nguyên liệu...
Bốn là, củng cố thị trường hiện hữu bằng các giải pháp như đã nói và phát triển thêm các thị trường mới. Theo bản đồ xuất khẩu Việt Nam thì đang trống hai thị trường tiềm năng quan trọng là Trung Đông và châu Phi – thị trường có nhiều đặc điểm tiêu dùng tương đồng với Việt Nam nhưng đang bị bỏ ngỏ. Muốn chinh phục các thị trường này cũng cần có định hướng vĩ mô từ sản xuất.
Từ thực tế này, có thể thấy việc xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết, giúp gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới. Báo SGGP tổ chức hội thảo lần này cũng nhằm đóng góp các giải pháp để phát triển thương hiệu cho hàng Việt trong bối cảnh thương mại xanh, hướng đến kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh và bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường nhấn mạnh, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.
Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Với sự phát triển nội tại của từng doanh nghiệp, cùng với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng tích cực trên thì vẫn còn một thực tế rất buồn đang diễn ra từ nhiều năm nay. Đó là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu. Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70 - 80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.
Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu... Hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần…
Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.