Doanh nghiệp Việt: Giữ thị phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Năm 2025, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ đối mặt mức thuế 60% trên thị trường toàn cầu, nhất là thị trường Mỹ. Do vậy, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động đa dạng hóa thị trường nhằm giảm nguy cơ rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.

Rào cản kỹ thuật sẽ dày đặc

Trao đổi nhanh về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), cho biết, doanh thu tổng công ty năm 2024 đã cán mốc 6.700 tỷ đồng. Hai thị trường chủ lực xuất khẩu của toàn tổng công ty là châu Âu và Mỹ.

P5A.jpg
Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Dược phẩm OPC. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dự báo năm 2025, sự tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng từ các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, y tế và hàng tiêu dùng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành ép nhựa; tạo cơ hội xuất khẩu sản phẩm nhựa và khuôn mẫu chất lượng cao sang các thị trường quốc tế, nhất là châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, nguy cơ nhiều nhóm hàng xuất khẩu bị áp thuế cao tại thị trường này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của toàn tổng công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia có ngành công nghiệp khuôn và ép nhựa phát triển như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Cùng băn khoăn, bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm OPC, chia sẻ, các sản phẩm của OPC đã có mặt tại 15 nước. Việc mở rộng thị trường giúp OPC giảm sự phụ thuộc vào thị trường nội địa và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Thế nhưng, những dự báo về chính sách kinh tế mới từ chuyên gia kinh tế về thị trường Mỹ đã và đang khiến doanh nghiệp lo lắng.

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có thặng dư thương mại 102 tỷ USD với Mỹ. Thực tế này đặt Việt Nam trước khả năng chịu tác động chính sách thương mại mới của Mỹ, chủ yếu liên quan đến thương mại, thuế quan, công nghệ, tài chính và đầu tư.

Tính riêng năm 2024, Mỹ đã khởi xướng 11 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 32 vụ việc từ 12 thị trường khác nhau. Các nhóm hàng bị điều tra bao gồm pin mặt trời, tôm, thép chống ăn mòn, khay đúc bằng sợi, đĩa giấy. Mỹ đã điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ, như trợ cấp xuyên quốc gia đối với pin mặt trời và vỏ viên nhộng. Ngoài ra, các sản phẩm như gỗ dán, tủ gỗ, thép cán nóng, cáp thép dự ứng lực, ống thép hàn, nhôm thanh định hình, ống đồng, kính nổi, nhựa PET, đá thạch anh nhân tạo, máy giặt, tủ lạnh, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu, thép gió, máy biến thế cũng được liệt kê trong danh sách cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại tại một số thị trường xuất khẩu.

Nâng chất hàng Việt

Theo số liệu từ Bộ Công thương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 được ghi nhận là Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 119,6 tỷ USD. Kế đến là Trung Quốc đạt 50,8 tỷ USD, EU đạt 42,3 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 21 tỷ USD, Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, Hồng Công đạt 9,5 tỷ USD, Đài Loan đạt 7,8 tỷ USD, Ấn Độ đạt 7,2 tỷ USD và Australia đạt 6,5 tỷ USD…

Việc thực hiện chính sách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu. “Để an toàn gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Mỹ chọn lọc nhóm ngành hàng sản xuất “thuần” Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến nguồn gốc hàng hóa, giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh, và cân nhắc nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ nhằm cân bằng thương mại. Việc tăng cường hiểu biết và tuân thủ các quy định về phòng vệ thương mại sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và duy trì ổn định trong hoạt động xuất khẩu”, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, khuyến cáo.

Ở khía cạnh khác, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), cho rằng, doanh nghiệp Việt cần tính đến phát triển thị phần cho nhóm sản phẩm cao cấp khi đã đủ khả năng thực hiện điều này. Năm 2024, đơn hàng xuất khẩu của công ty đã tăng 40% so với năm trước nhờ đầu tư sản xuất dòng sản phẩm bánh cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện tại, công ty đã nhận được đủ đơn hàng để sản xuất đến tháng 6 với khoảng 60 container/tháng. Việc xuất khẩu vào thị trường lân cận giúp doanh nghiệp giảm đáng kể rủi ro từ hoạt động logistics. Vấn đề là doanh nghiệp Việt nên đầu tư dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu tương ứng với phân khúc thị trường cao cấp hơn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, để thích ứng với dòng chảy thương mại mới, doanh nghiệp nên liên tục cải tiến và tìm kiếm các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa chi phí, tăng cường ứng dụng phổ biến công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng tỷ lệ tự động hóa trong sản xuất, nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nghiên cứu và đưa vào sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu mới, thay thế một phần nguyên liệu ngoại, giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tăng cường xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp, đi sâu giữ chắc thị phần trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Giải pháp này giúp doanh nghiệp tránh xuất khẩu trực tiếp cho thị trường khó tính, loại trừ rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục