Doanh nghiệp Việt gặp khó khi ứng dụng AI vào sản xuất

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam muốn triển khai các chương trình về Trí tuệ nhân tạo (AI), tiếp nối chương trình chuyển đổi số Quốc gia nhưng chưa định hướng nên bắt đầu từ đâu, cách xây dựng, quy trình hoạt động  để đạt được hiệu quả cao nhất. Đây là thực trạng  được chuyên gia nhận định tại hội thảo “Giải pháp AI cho doanh nghiệp” được  tổ chức tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12) vào sáng 28-6.

Doanh nghiệp Việt gặp khó khi ứng dụng AI vào sản xuất

Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) phối hợp với Liên minh Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam (VNITO) và các đơn vị tổ chức.

IMG_3199.jpg
Quang cảnh hội thảo

Hiện nay, việc ứng dụng AI vào sản xuất đang là xu hướng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đột phá, tăng năng suất, hiệu quả làm việc và giảm chi phí.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp về công nghệ AI đã tạo ra rất nhiều giải pháp AI có thể phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

IMG_3184.jpg
Bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phát biểu tại hội thảo

Bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên số hóa, trí tuệ nhân tạo đang trở thành yếu tố cốt lõi không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong kinh doanh, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là nhân tố quyết định giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa quy trình và tạo ra những giá trị vượt trội.

“Để có góc nhìn tổng quát và phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi số của các đơn vị, Công viên phần mềm Quang Trung đã tổng hợp các giải pháp AI do các doanh nghiệp Việt nghiên cứu phát triển, được giới thiệu tại khu triển lãm. Bên cạnh đó là diễn đàn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, những thành tựu mới nhất từ các chuyên gia trong lĩnh vực AI, phần nào giúp doanh nghiệp tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhất trong việc ứng dụng AI vào quá trình hoạt động”, Bà Phạm Thị Kim Phượng chia sẻ.

IMG_3219.jpg
Nhiều giải pháp AI do các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu phát triển được giới thiệu tại khu triển lãm

Theo ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Trung tâm Trí tuệ nhân tạo, Tập đoàn Công nghệ TMA, Việt Nam mặc dù có đội ngũ nhân lực về công nghệ dồi dào, thị trường trong nước có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp các giải pháp về chuyển đổi số và AI, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khi thương mại hóa, ứng dụng triển khai vào thực tiễn.

"Do vậy, để tận dụng và bắt đầu quá trình ứng dụng AI một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu, chiến lược và lựa chọn công nghệ phù hợp với mục đích kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, mang lại giá trị AI cao nhất. Đầu tiên, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến quá trình chuyển đổi số, xây dựng và quản lý dữ liệu, đây là nền tảng then chốt, đảm bảo cho các mô hình AI hoạt động hiệu quả và mang lại giá trị bền vững lâu dài...", ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

IMG_3176.jpg
Hệ thống Chatbot AI ứng dụng trong kinh doanh bán hàng do Công ty phần mềm Digitech Solutions phát triển

Bên cạnh tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, quy trình áp dụng AI trong doanh nghiệp, khu triển lãm còn trưng bày giới thiệu gần 100 giải pháp AI do các doanh nghiệp Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển ở các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo tạo sinh; smart camera; công nghệ nhận diện ứng dụng quang học - xử lý ngôn ngữ tự nhiên; phân tích dữ liệu và dự đoán; tự động hóa quy trình và kiểm tra; phần mềm ứng dụng trong giáo dục đào tạo…

Theo báo cáo của QTSC, thị trường AI toàn cầu được định giá khoảng 93,5 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép là 38,1% từ năm 2022 đến năm 2030. Sự phát triển vượt bậc này cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của AI trong việc hỗ trợ và cải tiến các hoạt động kinh doanh, cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp.

Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng AI vào quá trình hoạt động, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, y tế, thương mại điện tử... Đa số các doanh nghiệp thường đặt ra các mục tiêu khi triển khai ứng dụng AI như: tăng doanh thu, nâng cao trải nghiệm người dùng, tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm chi phí và sức lao động.

Tin cùng chuyên mục