Doanh nghiệp Việt: Chạy nước rút phân luồng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Đối mặt với mức thuế đối ứng lên tới 46% từ Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu. Từ chỗ phụ thuộc vào vài thị trường chủ lực, các doanh nghiệp đang ráo riết phân luồng lại danh mục sản phẩm và tăng tốc đa dạng hóa thị trường - không chỉ để ứng phó trước mắt, mà còn để xây dựng nền tảng phát triển bền vững về lâu dài.

Không phải mặt hàng nào cũng bị đánh thuế

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết, không phải tất cả hàng hóa đều bị đánh thuế cao. Trong thông tin mới nhất mà công ty nhận được từ đối tác bên Mỹ, những nhóm gia vị chế biến, hàng có dấu hiệu thay đổi mã HS hoặc chưa rõ xuất xứ mới là đối tượng chính. Trong khi đó, các mặt hàng như cà phê chưa rang, tiêu nguyên hạt, trà túi lọc, hay nghệ khô… nếu đạt chuẩn hữu cơ thì vẫn giữ mức thuế 0%. Do vậy, tùy vào từng ngành hàng, doanh nghiệp cần bình tĩnh, rà soát lại danh mục sản phẩm, thay vì hoảng loạn rút lui khỏi thị trường Mỹ.

E1e.jpg
Hàng hóa xuất khẩu được đưa lên tàu biển tại cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bà Võ Thị Liên Hương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Secoin, thông tin, Secoin đang gấp rút tái cấu trúc lại danh mục sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên nhóm ít chịu thuế và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Mặt khác, công ty cũng tăng tốc tìm kiếm đối tác tại nhiều thị trường được xem là có tiềm năng tiêu dùng lớn và ít áp rào cản kỹ thuật.

AmCham lo ngại về mức thuế quan mới của Mỹ

Ngày 4-4, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định áp thuế đối ứng lên tới 46% được Chính phủ Mỹ công bố vào ngày 2-4 vừa qua. Theo ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham, mức thuế này không chỉ gây bất ngờ bởi quy mô lớn mà còn vì thời gian thực thi gần như ngay lập tức, làm gia tăng rủi ro và tạo ra sự xáo trộn đáng kể đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang đầu tư và sản xuất tại Việt Nam. “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Mỹ cân nhắc áp dụng một giai đoạn chuyển tiếp hợp lý để tránh thiệt hại không đáng có”, Chủ tịch AmCham nói.

AmCham cũng cho biết, Mỹ và Việt Nam đều thống nhất rằng thâm hụt thương mại ngày càng lớn là tình trạng không thể duy trì lâu dài. Tuy nhiên, để xử lý vấn đề một cách hài hòa, AmCham đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Mỹ như một cách làm cân bằng thương mại, đồng thời tạo cơ sở để phía Mỹ rút lại hoặc điều chỉnh mức thuế đang áp dụng.

Tận dụng FTA - Cánh cửa đã mở sẵn cho hàng Việt

Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho biết, đang rà soát nhanh những lợi thế và cơ hội thị trường tại 17 FTA mà Việt Nam đã ký kết. “Đây chính là lợi thế mà doanh nghiệp Việt cần tận dụng triệt để để phân luồng lại thị trường xuất khẩu”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhấn mạnh. Theo ông Hòa, FTA không chỉ giúp giảm thuế quan mà còn mở ra các thị trường thay thế tiềm năng như EU, Nhật Bản, Canada, Úc, Nam Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, để tiếp cận được, doanh nghiệp cần có những đầu tư bài bản hơn vào kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa chuỗi cung ứng và áp dụng chuẩn ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững).

hinh 5.jpg
Hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản sạch Vina Cleanfood, Khu công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VIẾT CHUNG

“Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp dệt may, thực phẩm, nông sản đã ký được hợp đồng xuất khẩu lớn nhờ tận dụng ưu đãi FTA và đổi mới quy trình sản xuất để đạt chuẩn xanh và kỹ thuật. Ngành dệt may đang hướng đến mục tiêu 48 tỷ USD kim ngạch trong năm nay, tăng từ mức 44 tỷ USD năm 2024, nhờ phân tán thị trường sang Canada, Nhật, Mexico, Hàn Quốc - những quốc gia trong CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương)”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM nhấn mạnh.

Ở khu vực nông nghiệp, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm, chia sẻ thêm, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang siết chặt kiểm nghiệm, nhãn mác và kiểm định. Tuy nhiên, đây là cơ hội để nâng cấp nội lực và bước ra khỏi vùng an toàn nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.

Có thể thấy, doanh nghiệp hiện không còn ở thế bị động. Họ đang chủ động rà soát danh mục, phân luồng thị trường, tăng cường năng lực kỹ thuật để đáp ứng tiêu chuẩn mới. Nhưng để quá trình này diễn ra hiệu quả, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tín dụng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và xúc tiến thương mại quốc tế mạnh mẽ hơn.

TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR):

Việt Nam vẫn có “cửa” đàm phán lại mức thuế

Việt Nam cần nhanh chóng đàm phán tạm hoãn thuế quan để tạo điều kiện cho cả hai nước có thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế. Việc tạm hoãn này sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên chuẩn bị kỹ càng, giảm thiểu gián đoạn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam nên tăng cường hợp tác các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt từ EU và các quốc gia khác, để cùng đàm phán về thuế quan và chính sách thương mại. Điều này sẽ bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, không chỉ giữ vững các mối quan hệ thương mại hiện tại mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới với các thị trường ngoài Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Việt Nam cần thể hiện thiện chí và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự bất bình đẳng trong thương mại mà còn thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều, giảm thiểu các lo ngại về rào cản thuế quan và phi thuế quan.

Ông VÕ VĂN PHỤC, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood):

Tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng

Thị trường Mỹ chiếm hơn 35% đơn hàng của Vina Cleanfood. Nếu mức thuế từ Mỹ được áp dụng, công ty buộc phải giảm quy mô sản xuất, số lượng công nhân, tương đương hơn 30%. Về lâu dài, giải pháp của chúng tôi là nỗ lực tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn như: Nhật Bản, Canada, châu Âu… Tuy nhiên, câu chuyện mở rộng, tìm kiếm thị trường khác thay thế Mỹ không dễ dàng.

Ông VÕ TẤN LỢI, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang:

Nỗ lực duy trì, nâng chất lượng sản phẩm

Tất cả các thành viên trong hiệp hội đều rất lo lắng khi nghe thông tin Mỹ sẽ áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, vì phần lớn hàng hóa của hiệp hội (chủ yếu là nông sản) đều xuất khẩu sang Mỹ. Nếu mức thuế được thực hiện, chắc chắn giá thành của sản phẩm xuất sẽ đội lên cao. Khi đó, hàng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh lại các mặt hàng tương tự của một số nước khác.

TUẤN QUANG - NGỌC PHÚC thực hiện

Tin cùng chuyên mục