Gặp khó ở thị trường ngoại
Ghi nhận tình hình sản xuất tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cho thấy, hơn 1.000 công nhân may đang làm việc tích cực nhằm đảm bảo đơn hàng giao đúng hạn. Nhiều công nhân chia sẻ, khác với năm 2020 các công nhân trong nhà máy phải cắt nghỉ ca vì thiếu đơn hàng, từ đầu năm 2021, tình hình đã được thay đổi, đơn hàng của công ty đã trở lại và công nhân không còn phải làm việc cách ca. Lương và thu nhập nhờ vậy cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, trái với tâm lý hồ hởi của nhiều công nhân, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT công ty vẫn tỏ ra lo lắng.
Ông Hồng cho biết, cuối năm 2020, công ty đạt được thỏa thuận cung ứng hàng dệt may cho hệ thống cửa hàng Uniqlo của Nhật Bản. Đơn hàng này đã giúp công ty duy trì ổn định sản xuất. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang gặp khó. Nhiều chuỗi cửa hàng trên thế giới đã công bố phá sản và công ty đang bị chính một số DN FDI tận dụng nhiều lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để cạnh tranh quyết liệt.
Nói rõ thêm, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam, cho biết, kim ngạch xuất khẩu hiện nay tăng mạnh chủ yếu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đơn cử, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.
Cũng theo ông Thuấn, từ 3 năm trước, khi cơ cấu tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu còn duy trì ở mức 65% (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) và 35% (khu vực kinh tế trong nước), hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xem xét điều tiết, phân luồng và chọn lọc thu hút đầu tư.
Theo đó, giảm thu hút đầu tư ngành nghề sản xuất mà DN trong nước đã chủ động được và ưu tiên thu hút đầu tư những ngành nghề mà DN trong nước đang cần để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất. Đồng thời, ưu tiên thu hút ngành công nghệ cao.
Bởi lẽ, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu nâng lên mức lần lượt 75% (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) và 25% (khu vực kinh tế trong nước) thì xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào DN FDI.
Tuy nhiên, cho đến nay, cùng với dòng vốn nước ngoài đang chảy mạnh vào Việt Nam, cán cân kim ngạch xuất khẩu đã có sự chênh lệnh rất lớn theo hướng tăng ngày càng cao ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ quả tất yếu là kim ngạch xuất khẩu đang phụ thuộc rất lớn vào DN ngoại.
Điều đáng lo ngại, việc tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu đến mức xuất siêu ở một số thị trường đã đẩy DN trong nước đối diện với nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại.
Ông Đinh Công Khương, Tổng giám đốc Công ty Thép Khương Mai, cho biết, công ty đang phải tìm kiếm thị phần tiêu thụ tại nhiều thị trường mới, thị trường ngách. Bởi những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Canada, Australia, châu Âu… đã không còn cơ hội cho DN Việt sau khi chính phủ các nước áp mức thuế phòng vệ thương mại lên gần 400%.
Và cả trên sân nhà
Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây chia sẻ, tại thị trường nội địa, sản phẩm của công ty chủ yếu cung ứng cho hệ thống phân phối Việt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hệ thống phân phối ngoại đổ bộ ồ ạt vào thị trường Việt Nam đang làm giảm nhanh số lượng lẫn quy mô hệ thống phân phối nội, gián tiếp gây sức ép lên DN sản xuất nội.
Ghi nhận thực tế cho thấy, DN ngoại đa dạng hình thức đầu tư, từ trung tâm thương mại quy mô lớn đến hàng loạt hệ thống cửa hàng nhỏ xen cài dày đặc trong khu dân cư. Hệ thống phân phối ngoại dày đặc đến đâu thì sức tiêu thụ hàng nội giảm mạnh đến đó. Không phải hệ thống phân phối ngoại không cho hàng Việt vào, nhưng với mức chiết khấu quá cao, khó có DN nội nào gia nhập được vào chuỗi cung ứng của nhà phân phối ngoại.
Trước bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải hỗ trợ DN trong nước phát triển mạnh hệ thống phân phối hàng Việt. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, Saigon Co.op thực hiện đa dạng hóa các mô hình bán lẻ, đưa hàng Việt phát triển theo các phân khúc khách hàng phù hợp. Mặt khác, Saigon Co.op đã đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng lưới, đưa hàng Việt tiếp cận sâu về các địa phương, các vùng nông thôn trên khắp cả nước. Tính đến nay, đơn vị đã đầu tư và đưa vào hoạt động 1.086 điểm bán.
Nhiều ý kiến khác của DN nội cũng cho rằng, trong bối cảnh DN ngoại ồ ạt vào Việt Nam, DN nội rất cần sự hỗ trợ nhanh về vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước là chọn lọc trong thu hút đầu tư nước ngoài; nhất quán và công bằng trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư giữa DN nội và DN ngoại, tránh tình trạng ưu tiên thu hút đầu tư DN ngoại mà bỏ qua DN nội. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức ở các bộ, ngành, địa phương gây khó, nhũng nhiễu DN, nhất là với DN trong nước. Từng bước tháo bỏ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để DN nội phát triển.
Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nhấn mạnh: “…Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…”. Trên thực tế, dù dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam và là tín hiệu tốt nhưng phản hồi từ nhiều DN Việt, hiệp hội ngành nghề cho thấy, ở một số ngành, địa phương chưa có sự chọn lọc đầu tư như tinh thần của Nghị quyết 50-NQ/TW. Và hậu quả là DN Việt đang đối mặt với rất nhiều sức ép. |