(SGGP-12G).- Khi vụ việc EVN nâng giá thuê cột điện treo cáp viễn thông lên “quá cao” và bị các doanh nghiệp viễn thông phản ứng quyết liệt vẫn chưa có hồi kết, thì mới đây các doanh nghiệp viễn thông lại tiếp tục lên tiếng về việc EVN gây “khó dễ” đối với họ trong việc phát triển mạng lưới hạ tầng.
Doanh nghiệp viễn thông nói “có”
Theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Tống Viết Trung, mặc dù thông tư về quản lý, cấp phép và xây dựng trạm thu phát sóng di động (BTS) đã có khá lâu nhưng đến nay, mới chỉ có 49 tỉnh, thành có văn bản công bố quy hoạch. Trong năm 2008, Viettel xin xây dựng 58 trạm BTS tại Hà Nội thì chỉ có 8 trạm được cấp giấy phép; từ đầu năm 2009 đến nay, xin cấp phép 8 trạm thì chỉ có 2 trạm được cấp phép.
Thế nhưng, ngay cả khi có giấy phép thì vẫn còn hàng loạt rào cản... vì ngành điện lực gây “khó dễ”. Tại Ninh Bình, dù mỗi trạm BTS chỉ tiêu tốn điện năng bằng 2 cái bàn ủi điện, nhưng khi Viettel xây dựng 46 trạm BTS, điện lực địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải xây 12 trạm biến áp; nếu không xây dựng trạm biến áp thì ngành điện sẽ không cấp điện cho các trạm BTS?!
Hai mạng MobiFone và VinaPhone cũng cho biết, luôn bị điện lực các địa phương làm “khó dễ” khi xây dựng hạ tầng. Một lãnh đạo VinaPhone cho biết, vấn đề điện cho trạm BTS luôn là vấn đề bức xúc đối với các mạng di động. Các trạm BTS cần điện 3 pha nhưng nhiều nơi, EVN không đáp ứng. Vì vậy, buộc phải chuyển đổi thiết bị để dùng điện 2 pha.
Trong khi đó thủ tục xin cấp điện cho BTS nhiều khi bị điện lực địa phương gây khó dễ đủ đường. Một số điện lực địa phương đòi có chữ ký của lãnh đạo chính quyền và hợp đồng thuê địa điểm có công chứng. Trong hàng ngàn trạm BTS mà VinaPhone phát triển trong năm nay thì có rất nhiều trạm BTS ở Tây Nguyên, thậm chí ngay cả Hà Nội bị ngành điện không cấp điện. Chính vì vậy, có rất nhiều trạm BTS phải chạy máy nổ liên tục, dù khu vực xung quanh đều có lưới điện hạ thế!
EVN nói “không”
Trước vấn đề trên, ông Trịnh Ngọc Khánh - Trưởng ban Kinh doanh của EVN - khẳng định, phía EVN không làm khó cho các doanh nghiệp viễn thông. Theo ông Khánh, đến giữa năm 2008 việc cấp điện cho các trạm BTS không có vấn đề gì, nhưng từ giữa năm 2008 thì các doanh nghiệp viễn thông lắp trạm BTS quá nhiều, nên nhiều nơi, hạ tầng lưới điện chưa kịp triển khai.
Riêng VNPT thông báo triển khai 10.000 trạm BTS trong năm 2008. Trừ VNPT gửi EVN kế hoạch phát triển 10.000 BTS trong năm 2008, còn các doanh nghiệp khác phát triển trạm BTS thì bên EVN không hề biết.
Trong khi đó, nhiều trạm BTS đặt cách xa khu vực có lưới điện. Vì vậy, việc cấp điện cho BTS rất khó và không đáp ứng được, bởi chúng tôi cũng cần có thời gian lập dự án đầu tư và triển khai. Mặt khác, ông Khánh cho rằng, hiện có tới 50% mạng điện ở nông thôn không phải do EVN quản lý nên các doanh nghiệp viễn thông không thể đổ mọi chuyện cho EVN được.
Đối với trường hợp mà Viettel “tố” ở Ninh Bình, ông Khánh cho rằng, do phía Viettel không lập kế hoạch cụ thể với điện lực địa phương nên sự hợp tác giữa 2 bên thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên, theo ông Khánh, nếu trạm BTS công suất nhỏ nằm trong khu dân cư có mạng lưới điện sẵn thì không cần đặt trạm biến áp. Nhưng nếu đặt trạm BTS ở nơi cách biệt khu dân cư, lưới điện phải kéo từ rất xa đến thì cần phải đặt trạm biến áp.
Quan điểm EVN cho rằng, một trạm BTS tiêu thụ điện năng bằng khoảng 3-4 cái bàn ủi, bằng khoảng 2 hộ gia đình. Nhưng nếu đầu tư một công trình cấp điện qua trạm biến áp thì giá đầu tư lên đến cả hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, bên điện lực rất khó hoàn vốn đầu tư khi mỗi tháng chỉ thu được vài triệu tiền điện với 1 trạm BTS. Nếu các doanh nghiệp viễn thông đưa cả giá trị đầu tư cho phần điện vào chi phí đầu tư cho BTS thì liệu dám phát triển BTS tràn lan như vậy!?.
TRẦN LƯU