Trong một báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, nhiều nỗ lực nhằm giảm chi phí kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2017 đã có kết quả, mặc dù chi phí kinh doanh cơ bản vẫn còn ở mức cao so với khu vực và thế giới.
Đơn cử, chi phí vận chuyển hàng hóa đã giảm đáng kể, với việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án điều chỉnh mức thu phí đường bộ, theo đó đã giảm giá đối với nhóm xe loại 4 từ mức 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm xe loại 5 từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng. Nhiều dự án BOT đường bộ cũng đã thực hiện việc giảm giá. Tính đến thời điểm báo cáo, trong tổng số 73 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, đã có 35 trạm triển khai giảm phí.
Bên cạnh đó, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm từ 1% xuống còn 0,5% theo quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP. Các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Sắp tới, nhiều khoản phí, lệ phí cũng sẽ giảm. Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí, trong đó dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5% - 25% so với mức hiện hành... Dự thảo đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số doanh nghiệp, hiệp hội liên quan và dự kiến được ban hành đầu năm 2018.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao. Hiệp hội Logistics cho hay 1 container 40 feet được vận chuyển từ Lạng Sơn đến TPHCM phải qua 29 trạm thu phí, với tổng phí là 4,8 triệu đồng. Chi phí về logistics hiện chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, với trên dưới 300 văn bản điều chỉnh lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, chi phí kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực như y tế, nông nghiệp vẫn cao và rất cao - theo phản ánh của cộng đồng kinh doanh. Tương tự với một số loại phí và lệ phí, đơn cử như chi phí cấp chứng chỉ nguồn gốc thủy sản khai thác để xuất khẩu lên tới trên 700 triệu đồng cho 1.200 chứng chỉ đối với một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ có quy mô vừa… Cần nhớ rằng đây mới chỉ là những chi phí chính thức. Hầu hết các doanh nghiệp còn phải chi trả thêm hàng loạt chi phí không chính thức khác, có khi còn lớn hơn chi phí chính thức nhiều lần. Có lẽ vì thế, tuy là một năm “bùng nổ” về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, năm 2017 cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp lặng lẽ rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2017, cả nước có gần 127 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 1.300 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Nếu tính cả trên 1.869 tỷ đồng của 35,2 ngàn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là hơn 3.165 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng đã có đến gần 61.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (chỉ giảm 0,2% so với năm trước) và trên 12.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, trong đó hầu hết là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (91,5%). Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát vẫn lo ngại về khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, mà chi phí kinh doanh là một trong những yếu tố quyết định. Chính vì thế, sau 1 năm thực hiện mục tiêu giảm chi phí doanh nghiệp, hoàn toàn có cơ sở khi một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị năm 2018 vẫn đặt trọng tâm vào vấn đề này để tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp rõ nét hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai trong năm 2017 được phát huy tốt nhất.