Áp lực tăng giá đè nặng
Với việc giá xăng RON 95 tăng liên tục kể từ đầu năm và tới nay đã vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, nguyên vật liệu sản xuất trong nước tiếp tục biến động mạnh trong các tháng gần đây, thị trường hàng hóa đang hứng chịu cơn “bão” tăng giá mới. Bởi lẽ khi xăng dầu tăng thì tất cả nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và nội địa đều đồng loạt tăng giá, gây sức ép lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, kể từ đầu năm tới nay giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường đã được điều chỉnh tăng nhiều lần. Thậm chí ngày 2-4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình hàng bình ổn của TPHCM cũng buộc phải điều chỉnh tăng giá trứng gia cầm dưới 10% nhưng vẫn chưa chịu được trước áp lực tăng giá nguyên liệu. Điều này dẫn tới cuối tháng 5-2022 các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng trứng tại TPHCM đã có văn bản đề xuất Sở Tài chính TPHCM xem xét cho điều chỉnh tăng giá vì không thể cầm cự thêm được nữa.
Hay với nhóm dầu ăn. Cả thế giới đang đối mặt với khủng hoảng thiếu dầu ăn sau khi Indonesia - quốc gia chiếm hơn 1/3 lượng dầu thực vật xuất khẩu toàn cầu đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất dầu ăn của doanh nghiệp Việt phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Điều này tạo áp lực tăng giá vô cùng lớn tới thị trường trong nước, dẫn tới giá mỗi lít dầu ăn hiện tăng tới 50% so với hồi đầu năm và tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Cụ thể, giá dầu thực vật đã được các đại lý điều chỉnh 3 lần, từ 32.000 đồng lên 48.000 đồng/lít. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, lên 48.000-55.000 đồng/lít. Tương tự, dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, hướng dương, gạo lứt tăng lên 68.000-85.000 đồng/lít, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) bày tỏ, doanh nghiệp sản xuất hiện đang ở thế khó. Cụ thể, sức mua của người tiêu dùng vẫn còn yếu trong khi giá xăng và nguyên vật liệu lại tăng cao, việc này đã kéo chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng tới 30% so với hồi đầu năm nên việc tăng giá trên thị trường sẽ khó tránh khỏi.
Cùng bắt tay kìm giá
Theo bà Lý Kim Chi, các doanh nghiệp sản xuất chủ lực của FFA đều tích cực tham gia vào chương trình bình ổn thị trường của thành phố và đang nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, bao bì giữ giá bình ổn thêm 2-3 tháng nữa. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đang tập trung thu mua và trữ nguyên liệu đủ để sản xuất 3-5 tháng tới, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) bày tỏ quan điểm, trước những biến động của thị trường thế giới, thị trường Việt Nam đang chịu ảnh hưởng sâu rộng. Việc tăng giá sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng là khó tránh khỏi. Tuy vậy, Saigon Co.op đã cam kết với các đối tác và bạn hàng là sẽ duy trì lượng hàng ổn định trong khoảng thời gian nhất định sắp tới. Nhà bán lẻ này cũng chưa có biện pháp hay hành động tăng giá ngay lập tức đối với các mặt hàng thiết yếu mà đang cố gắng giữ ổn định bằng nhiều cách khác nhau.
Theo đó, nhà bán lẻ này đã triển khai 6 giải pháp chính trong năm 2022, tập trung vào chương trình bình ổn thị trường. Trong đó, chú trọng địa phương hóa nguồn hàng, cụ thể là với những mặt hàng thiết yếu, bắt buộc phải dùng nguồn hàng tại địa phương để tối ưu hóa chi phí. Khảo sát tại các siêu thị của Saigon Co.op cho thấy, cơ cấu giá bán hàng hóa hiện được giữ bình ổn so với mức tăng giá ngoài thị trường. Đặc biệt, với trứng gia cầm các loại, giá trong siêu thị hiện đang chênh lệch khoảng 5.000 đồng/chục so với giá thị trường. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng liên tục phối hợp với nhà cung cấp thực hiện khuyến mãi diện rộng, phủ đều tất cả các ngành hàng. Cụ thể, từ ngày 2 đến 8-6, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên toàn quốc đồng loạt thực hiện chương trình “Đại tiệc trái cây - Tươi ngon và tiết kiệm” tập trung giảm giá mạnh cho nhiều chủng loại trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng trong mùa nắng nóng.
Theo chương trình, siêu thị Co.opmart và Co.opXtra áp dụng giảm giá đến 15% cho hàng trăm mặt hàng trái cây như cam Ai Cập, đu đủ vàng, cam sành, chôm chôm giống Thái, ổi giống Đài Loan, táo Rockit New ống 4 trái, táo hồng Queen New Zealand… Ngoài ra, hệ thống này còn giảm giá 15-25% cho nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả các loại gồm bầu, bí đao, rau muống, cà chua giống Hà Lan, cải lô lô xanh, cải caron, bông cải xanh, thịt và thủy hải sản các loại gồm cá diêu hồng làm sạch, cá nục, cá trê không đầu, cá thát lát nạo, cánh gà tươi, má đùi gà tươi, thịt đùi heo, thịt vai heo, thịt heo xay Meat Deli... Chẳng hạn, bầu trái Co.op hiện có giá bán 11.200 đồng/kg; bầu thủy canh 20.000 đồng/kg; cà chua bi 35.500 đồng/kg; cà chua (túi lưới) 17.900 đồng/kg; dưa leo thủy canh 26.000 đồng/kg…
Để có được sản lượng đủ lớn và mức giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng, Saigon Co.op đã nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao trên cả nước để đưa vào siêu thị. Trong quá trình mua hàng, hệ thống bán lẻ này còn ngẫu nhiên lấy mẫu tại vườn và tại siêu thị để kiểm tra độ an toàn, chất lượng nhằm bảo đảm sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn tươi ngon, chất lượng. |