Ngư dân kêu cứu
Ông Nguyễn Văn Mới (69 tuổi, ở xóm Đăng, tổ 49) cho biết, bãi cồn ở đây là một cồn nổi, nơi các loài thủy sinh sinh sản, nằm ở bên ngoài khu rừng đước giữa đầm Thị Nại. Xưa nay, khoảng 500 hộ dân ở tổ 48 và tổ 49 vẫn sống no ấm với khu rừng ngập mặn, bãi cồn. Cao điểm, có hàng trăm người dân ở các phường Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Ân, Bình Thới đến bãi cồn, khu rừng này để hành nghề. Hàng năm, cứ đến mùa cá mú giống (tháng 8 đến tháng 10), dân làng ở đây kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Tuy nhiên, gần đây, UBND tỉnh Bình Định đã cho phép nhiều doanh nghiệp hút cát ở đầm Thị Nại, khu rừng đước, bãi cồn, nguy cơ hủy diệt môi trường sống của cua cá. Mới đây nhất, Công ty CP Thị Nại Eco Bay đã cho đơn vị thi công đến đấu vòi hút ngay tại bãi cồn và rừng đước để hút cát san lấp làm dự án. Phát hiện, dân làng kéo rất đông ra ách lại, có người bức xúc đòi chặt vòi, ống hút cát của doanh nghiệp. Người dân đề nghị không được phá rừng đước và cấm hút cát ở bãi cồn. Phải hút cách xa rừng đước 200m để bảo vệ cồn bãi, rừng đước, giữ môi trường.
Anh Nguyễn Thanh Đông (47 tuổi, xóm Đăng) bức xúc: “Trước đây, người dân đã bị thu hồi đồng muối và chỉ được bồi thường với giá rẻ. Giờ, lại đến rừng đước, đìa tôm, bãi cồn bị doanh nghiệp xây dựng biệt thự, resort, căn hộ, khu sinh thái… Vậy mà địa phương không hề tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân”.
Điều nghịch lý là trước kia chính quyền địa phương phát động trồng rừng, gây rừng, giữ rừng ngập mặn để tạo sinh kế, giờ lại giao cho doanh nghiệp phá rừng đước, san lấp, phân lô làm dự án. Theo người dân, giữ lại rừng đước, đầm phá để phát triển du lịch cộng đồng mới là hợp lý và phát triển bền vững.
Yêu cầu dừng hút cát
Theo tài liệu PV Báo SGGP có được, để làm dự án khu sinh thái, biệt thự Thị Nại Eco Bay (Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư), cần 1,5 triệu mét khối đất cát lấy từ Khu kinh tế Nhơn Hội và đầm Thị Nại để san nền. Dự án đã được giao 2 điểm hút cát ở giữa đầm Thị Nại. Do 2 điểm được giao ảnh hưởng đến di tích thắng cảnh tháp Thầy Bói và nằm chồng lên luồng hàng hải Quy Nhơn nên các cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ, bố trí mỏ cho Thị Nại Eco Bay. Tuy chưa được bố trí mỏ chính thức, nhưng đơn vị thi công đã tự ý hút cát ở đầm Thị Nại, tự mua nguồn cát chưa cấp phép ở Khu kinh tế Nhơn Hội và san lấp mặt bằng.
Ông Phan Tấn Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: “Mới đây, có 60 người dân ở khu vực 9A đến UBND phường để phản ứng việc doanh nghiệp hút cát ở đầm Thị Nại, làm mất bãi cồn, mất sinh kế của dân cũng như việc hút cát gây ảnh hưởng đến các nhà dân liền kề. Trước mắt, địa phương đã đề nghị phía Công ty CP Thị Nại Eco Bay dừng việc hút cát để báo cáo lên cấp trên tìm hướng giải quyết…”.
Ông Đinh Trọng Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu du lịch sinh thái, biệt thự Thị Nại Eco Bay, lý giải: “Do tỉnh thúc chúng tôi phải sớm triển khai dự án kịp tiến độ (tháng 3-2022), trong khi chờ cấp mỏ cát chính thức, chúng tôi tranh thủ thăm dò, hút ít bùn cát ngay trong dự án, để san lấp các mặt bằng tạm, chứ cả trăm công nhân không thể ngồi chờ lâu được. Đối với 200.000m3 cát ở Khu kinh tế Nhơn Hội, chúng tôi mua của doanh nghiệp khác. Sau khi phát hiện nguồn cát này chưa được cấp phép, chúng tôi đã ngừng không nhận cát của họ nữa...”.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, cho biết, ở đầm Thị Nại, UBND tỉnh Bình Định vẫn đang cho phép một doanh nghiệp khác hút cát trong nhiều năm qua để san lấp dự án khu đô thị An Phú Thịnh. Liên quan đến việc dự án Eco Bay Thị Nại hút cát lấn sâu vào rừng đước, bãi cồn, ông Vinh hứa sẽ cho người đi kiểm tra thực tế để nắm bắt thông tin và điều chỉnh…
Dự án khu sinh thái, biệt thự đầm Thị Nại có tổng diện tích gần 120ha, kinh phí trên 1.500 tỷ đồng. Dự án dự tính san lấp khoảng 77ha bao trùm lên đìa tôm và rừng đước lâu năm. Diện tích san lấp để xây dựng 181 căn biệt thự, nhà liền kề, tạo khu phố mới… Tháng 12-2018, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định giao đất để thực hiện dự án. |