Ngày 19-10, trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo“Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Theo nhóm nghiên cứu CIEM ở Việt Nam, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đã tạo dư địa, không gian và cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân đầu tư nâng cao năng lực. Quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt với các phiên bản Luật Doanh nghiệp (từ Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 đến Luật Doanh nghiệp phiên bản năm 1999, 2004, 2014 và 2020), Luật Đầu tư (2004, 2014, 2020) và những quyết sách trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp biến các cơ hội kinh doanh thành sự phát triển thực sự. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020 có hơn 735.000 doanh nghiệp thành lập mới (trung bình 122.500 doanh nghiệp/năm). Trong 9 tháng đầu năm 2021 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có 85.483 doanh nghiệp thành lập mới.
Năng lực của khu vực kinh tế tư nhân đã được cải thiện trong thời gian qua. Khu vực kinh tế tư nhân có số lượng chủ thể và quy mô ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân trong TOP 10, TOP 50, TOP 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng qua các năm; trình độ công nghệ, trình độ tổ chức quản lý được cải thiện.
Tuy nhiên, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Những yếu kém nội tại vừa là hạn chế vừa là nguyên nhân cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra.
Để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, trước mắt, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; kết nối lao động; đảm bảo điều kiện để “sống chung” với đại dịch; tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong trung và dài hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế…
Đối với bản thân các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm bảo đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt. Các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau, tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh…