Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp tư nhân tiên phong thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là tham gia đầu tư, thực hiện các dự án quan trọng, dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoáng sản thiết yếu, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…, tạo ra giá trị gia tăng, vươn tầm khu vực và quốc tế.
![Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh: VIẾT CHUNG 1.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_10/1-1051-8631.jpg.webp)
Các doanh nghiệp cũng đề xuất hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân tăng tốc bứt phá, góp phần phát triển nhanh, bền vững, thực hiện tốt sứ mệnh trong kỷ nguyên mới của dân tộc…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, một thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta.
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp vào gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_10/thu-tuong-pham-minh-chinh-va-cac-dai-bieu-du-hoi-nghi-7262-1960.jpg.webp)
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, luật để thúc đẩy phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, phải phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số, đóng góp triển khai các nhiệm vụ lớn nói trên, góp phần vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước).
Thủ tướng nêu mong muốn với các doanh nghiệp, doanh nhân: tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng KH-CN; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG 2.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_10/2-2829-6538.jpg.webp)
"Chúng tôi cam kết rà soát lại, xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, nền kinh tế và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước, cho xã hội, trong đó có phục vụ các doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.
Với các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp, hai bên có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước. Ví dụ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT có cam kết với Hòa Phát về đường ray, với THACO về toa tàu, với tập đoàn Đèo Cả, với Xuân Trường về đào hầm, làm đường…
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO): THACO đã trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, tập trung vào các ngành như ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ và logistics. Theo chỉ đạo định hướng của Thủ tướng, THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.
* Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị phải giải phóng tiềm lực KH-CN, vì mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực KH-CN vẽ thành một đồ thị parapol đi lên. Nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên. Trước những cơ hội đó, tôi đề nghị "bình dân AI vụ”, nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Chính phủ chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…
* Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát: Trong kế hoạch 2025-2030, vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp. Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai, nên rất mong Chính phủ có 1 văn bản như một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án. Hòa Phát hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.
* Ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường: Muốn làm việc lớn thì phải có ý tưởng, phải có mục tiêu dự án, phải tổ chức thực hiện tốt. Ví dụ như tỉnh Ninh Bình chỉ có 20.000ha thì giao cho tôi 12.000ha, tức là 57% diện tích của 1 tỉnh sẵn sàng giao cho doanh nghiệp chỉ trong một cuộc họp rất ngắn (15 phút), và chúng tôi đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Ninh Bình mỗi năm đón 10 triệu khách, dân số Ninh Bình có 1 triệu người, như vậy cứ 10 người thì 9 người là khách du lịch.
Cần bàn để có cơ chế chính sách, giao cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Với đường sắt cao tốc, đường giao thông, chúng ta phải có ý tưởng trước; phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng mới cho vay tiền. Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10.000 tỷ đồng thì ngoài vốn tự có thì phải vay thêm ngân hàng.