Cùng tham dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Hội nghị với sự tham gia của 40 doanh nghiệp Việt Nam và hơn 140 doanh nghiệp Nhật Bản, là cơ hội để chính quyền TPHCM tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Aichi và vùng Chubu, qua đó hiểu được yêu cầu hợp tác, đặt hàng của phía Nhật Bản.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu: Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 45 năm qua, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nói chung, TPHCM và các địa phương của Nhật Bản nói riêng đã phát triển mối quan hệ ngày càng sâu, rộng và bền vững dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, tinh thần của những đối tác chân thành và tin cậy. Về kinh tế, tính đến cuối năm 2017, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; là nước cung cấp ODA lớn nhất và là đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam.
Cũng trong năm 2017, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu ở Việt Nam. Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký ngày 25-12-2008 đã thúc đẩy kim ngạch thương mại Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gia tăng. Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 nước, TPHCM và các địa phương Nhật Bản không ngừng mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong thời gian vừa qua.
Thông tin về tình hình đầu tư nước ngoài tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, TPHCM thu hút được gần 1 tỷ USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ và bằng gần 1/3 cả nước. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của TPHCM.
Trong năm 2018, chính quyền TP có những cố gắng mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào TP những công tác: nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang hoạt động; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.
Trao đổi về nội dung thúc đẩy giao thương Việt Nam - Nhật Bản tiếp cận từ TPHCM, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Phương Đông cho biết: năm 2017 kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa TPHCM và Nhật Bản đạt 4,84 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản. TPHCM chủ yếu nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất, lắp ráp và xuất khẩu sản phẩm ngược trở lại thị trường Nhật Bản. Ba nhóm thành phẩm TPHCM xuất khẩu chủ lực sang Nhật Bản gồm hàng dệt, may; thủy sản; sản phẩm điện tử. Trong thời gian tới, TP kỳ vọng nhóm nông sản nhiệt đới như xoài, thanh long, chuối... sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Nhật Bản; trong đó doanh nghiệp TPHCM có thể giữ vai trò là đầu mối xúc tiến thương mại - tổ chức thu mua - xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Sau khi nêu những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn đưa ra 4 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này. Trong đó có giải pháp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM tổng hợp danh sách doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực hoạt động mà người lao động đã từng làm việc ở nước ngoài để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Cũng trong chiều nay 6-4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Đại sứ Du lịch TPHCM tại Aichi Noriko Hirose tham dự Hội thảo xúc tiến du lịch TPHCM tại tỉnh Aichi năm 2018. Có hơn 70 doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Aichi cùng các doanh nghiệp Việt Nam như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH Một thành viên, Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành, hãng hàng không Vietjer Air… tham dự hội thảo.
Sau khi tham dự Hội nghị xúc tiến Thương mại và Đầu tư vào TPHCM tại Aichi năm 2018, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ một số doanh nghiệp tỉnh Aichi. Đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin về 190 dự án kêu gọi đầu tư (trong đó có 127 dự án hơn 500 tỷ đồng) TP vừa ban hành trong các lĩnh vực giao thông, chỉnh trang đô thị, chống ngập, giáo dục…; mong muốn nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với những dự án này, đồng thời lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để môi trường kinh doanh, đầu tư của TPHCM tiếp tục thuận lợi đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thành Phong cùng các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã tham quan Nhà máy Toyota tại Takaoka. Tại đây, các thành viên trong đoàn tham quan quy trình lắp ráp xe Toyota RAV4. Sau đó, đoàn tham quan hội quán Toyota - triển lãm công nghệ ô tô hiện đại.
Có 6 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) được ký kết. Cụ thể: Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ký với Công ty kỹ thuật Daimasa về hợp tác phát triển và đào tạo nông nghiệp; Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ký với Công ty TNHH Horimasa về hợp tác phát triển dụng cụ phát hiện ADN nhanh BioRanger và áp dụng công nghệ Aquaponics hữu cơ; Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH Một thành viên ký với Công ty Du lịch MS Tourist về hợp tác phát triển du lịch hai chiều Việt Nam – Nhật Bản; Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành ký với Công ty Du lịch MS Tourist về hợp tác xúc tiến du lịch Việt Nam – Nhật Bản; Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành ký với Công ty TNHH Du lịch Nippon về hợp tác để tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại Nhật Bản; Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Akuruhi JV ký với Nghiệp đoàn International Cross – Industrial Cooperative về chương trình thực tập kỹ năng dành cho người nước ngoài.