Tăng tốc
Chia sẻ không khí hồ hởi khi DN phục hồi sản xuất, ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, cho biết, thời điểm TPHCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thành phố, trong 17 KCX, KCN có 652 DN đủ điều kiện duy trì hoạt động theo phương án vừa cách ly, vừa sản xuất. 760 DN còn lại phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một tháng phục hồi sản xuất, DN trong các KCX-KCN đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Ghi nhận thực tế cho thấy, các DN liên tục bổ sung lao động để đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động với số lượng lao động làm việc trong các DN là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường. Việc sản xuất bắt đầu khôi phục nhanh, khả quan và tích cực, trong đó có nhiều DN có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100%, nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước…
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, chia sẻ, trải qua một tháng ổn định, công nhân đã quay trở lại thành phố làm việc. Công tác phòng chống dịch cũng đã quy củ hơn. Đặc biệt, với bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch rõ ràng và phù hợp với hoạt động của DN, việc áp dụng khá thuận lợi nên các DN đã tự tin mở lại sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận đơn hàng mới.
Dòng vốn FDI đã quay trở lại
Ông Phạm Thanh Trực cho biết thêm, sự ổn định trong điều hành kinh tế hơn một tháng qua đã tạo tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư FDI bắt đầu quay trở lại thành phố. Thống kê mới nhất của Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM cho thấy, tổng vốn đầu tư thu hút, kể cả cấp mới và điều chỉnh, đạt 437 triệu USD, đạt 80% so với kế hoạch (550 triệu USD). Trong đó, kể từ ngày 1-10-2021 đến nay, ban quản lý liên tục ghi nhận các DN đăng ký điều chỉnh tăng vốn và liên hệ chủ đầu tư phát triển hạ tầng thuê thêm đất mở rộng sản xuất. Ngoài ra, sau thời gian giãn cách xã hội, một số nhà đầu tư FDI đã làm việc với ban quản lý để tìm hiểu quy trình đầu tư, đặt vấn đề thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy mới với quy mô vốn tương đối lớn, ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Ban quản lý đang hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục cần thiết để tiến tới hoàn thành cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào cuối năm 2021 và triển khai xây dựng nhà máy vào đầu năm 2022.
Ban Quản lý KCX-KCN vẫn đang làm việc chặt chẽ với các DN để cập nhật diễn biến của dịch Covid-19. Ghi nhận chung tại 17 KCX, KCN có khoảng 50 ca nhiễm/ngày. Đa số các ca F0 khi phát hiện đều đang trong quá trình làm việc bình thường, không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ do đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 nên ít ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của DN. Tuy nhiên, để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, ban quản lý vẫn yêu cầu các DN chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Nhiều công ty phát triển hạ tầng đã nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 ngay tại KCX-KCN để phục vụ cho công tác tách và điều trị F0. Hiện KCX Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) đã hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị có quy mô 250 giường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư KCN Đông Nam và Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) thống nhất đề xuất thành lập Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại KCN Đông Nam (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) có quy mô dự kiến từ 250 giường đến 300 giường.
Trong thời gian tới, theo Sở Công thương TPHCM, thành phố tiếp tục rà soát các KCX-KCN và DN có đủ điều kiện cơ sở vật chất để phối hợp với cơ quan chức năng sớm xem xét tiếp tục thành lập các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19. Việc này vừa góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người lao động yên tâm, duy trì ổn định sản xuất.