Chuyển hướng sản xuất, kinh doanh
Vào thời điểm này, hàng trăm cán bộ, công nhân viên của Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi vẫn miệt mài làm việc để tung ra thị trường các bộ chăn gối kháng khuẩn hương thảo và khẩu trang kháng khuẩn các loại. Điểm khác biệt của các sản phẩm này là bên cạnh nguyên liệu truyền thống vải kháng khuẩn, còn thêm hương liệu mới là hương thảo. Nguyên liệu này ngay sau khi đi thu hái, được sấy khô và đưa vào chiếu tia UV để loại bỏ tất cả các vi sinh vật, rồi còn được bổ sung thêm một số loại hương liệu khác, gồm tinh dầu tràm gió, dầu nem giúp lưu giữ mùi hương và tăng hoạt tính trị liệu.
Ông Lê Đông Hồ, Chủ tịch HĐQT Công ty May Thắng Lợi, cho biết, trong cao điểm dịch vừa qua, công ty đã phối hợp với các đơn vị khác cùng nghiên cứu các loại nguyên liệu và dược liệu để tăng sức kháng khuẩn cho sản phẩm chăn dra gối dành cho người lớn. Mặt hàng này có tính kháng khuẩn rất cao, ngay cả sau 20-30 lần giặt. Bên cạnh đó, một dòng sản phẩm khác dành cho trẻ em cũng ra đời để không chỉ kháng khuẩn mà còn có tính chất xua đuổi côn trùng, bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho trẻ, nhờ các hương liệu kể trên.
Riêng khẩu trang, công ty cũng đưa ra nhiều sản phẩm khác nhau với 100% là vải cotton kết hợp vải lưới và bổ sung thêm lớp vải dược liệu ở giữa. Riêng lớp dược liệu được sử dụng từ hơn 10 loại tinh dầu có khả năng sát khuẩn lên tới 100%, ức chế nhiều loại virus; hay loại khẩu trang kháng nước 3-4 lớp có chức năng kháng giọt bắn và nước, hạn chế virus thông qua nước bọt người bệnh.
Tất cả các mặt hàng này trước khi đưa vào sản xuất đều trải qua khâu thiết kể để đạt thẩm mỹ về mẫu mã, hình thức và màu sắc sản phẩm. Đối với mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn, hiện công ty đã giảm bớt sản lượng vì nhu cầu không còn tiêu thụ nhiều như trước. Để có được nguồn nguyên liệu kháng khuẩn, Công ty Thắng Lợi đã hợp tác với một DN Việt Nam chuyên sản xuất và cung ứng hương liệu, thuốc và tinh dầu nano nhằm tối ưu hóa chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh, chủ một DN tại quận Bình Thạnh (TPHCM) cho hay, trong lúc cao điểm chống dịch, khẩu trang y tế không có nhưng công ty vẫn phải hoạt động bình thường. Công ty đã tìm đến khẩu trang kháng khuẩn của Công ty Thắng Lợi vừa tiết kiệm, vừa giúp người lao động yên tâm làm việc. Chẳng hạn, khi mua một chiếc khẩu trang, sẽ đi kèm theo một túi dược liệu gồm 4 miếng, mỗi miếng khi đưa vào khẩu trang sẽ dùng được 3-4 ngày. Cho đến nay, khi mặt hàng khẩu trang y tế đã trở nên phong phú, dễ mua hơn nhưng công ty của chị Quỳnh vẫn trung thành với khẩu trang của Công ty Thắng Lợi.
Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) là một DN trong lĩnh vực thực phẩm, sản phẩm Vissan được phân phối và bày bán tại hầu hết hệ thống siêu thị trên cả nước, các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… Bên cạnh đó, Vissan còn tổ chức mạng lưới phân phối riêng với hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 100 nhà phân phối và trên 130.000 điểm bán hàng khắp toàn quốc.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Vissan tận dụng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình để tạo các kho chứa hàng hóa, áp dụng hình thức bán hàng qua điện thoại. Người dân chỉ cần gọi vào đường dây nóng khi có nhu cầu mua thực phẩm, hàng sẽ được giao trong vòng hai tiếng đồng hồ. Hình thức này không phải mới trên thị trường nhưng lại rất mới mẻ với chính Vissan, vừa giải quyết được bài toán người dân không đến nơi đông người, vừa thay đổi cách thức bán hàng.
Nhằm khẳng định cam kết luôn mang đến nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn đến tận tay khách hàng, ngày 17-9 vừa qua, Công ty Vissan chính thức ra mắt gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Lomart để tạo thêm nhiều kênh mua hàng cho người tiêu dùng. Dịp này, Vissan cũng tặng mã giảm giá 35.000 đồng cho đơn hàng đầu tiên và miễn phí vận chuyển trong bán kính 2km khi mua sắm tại gian hàng Vissan trên Lomart, để khuyến khích khách hàng tích cực mua hàng trực tuyến.
Trên thực tế, hình thức phân phối sản phẩm qua gọi điện thoại đặt hàng hoặc đặt hàng trên các nền tảng trực tuyến cũng đã được nhiều đơn vị áp dụng và cho thấy hiệu quả rất cao. Điển hình như trường hợp của Saigon Co.op, ngay sau khi dịch bùng phát, đơn vị này đã tăng cường mảng bán hàng trực tuyến, với đơn hàng tăng gấp 10 lần. Đến nay, lượng khách mua sắm online và qua điện thoại tăng đột biến gấp 4-5 lần.
Tại một số sàn thương mại, doanh số tăng trưởng rất mạnh, như sàn Tiki hiện ghi nhận khoảng 4.000 đơn hàng mỗi phút, số đơn hàng ở Lotte Mart tăng 200%, Lazada tăng 300% so với ngày thường.
Chủ động đón cơ hội
Nói về việc tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng, ông Kao Siêu Lực, chủ thương hiệu bánh ABC Bakery, cho rằng, các DN cần luôn trong thế chủ động, để sẵn sàng đón nhận cơ hội, vì cơ hội đến mà không kịp nắm bắt thì cơ hội cũng qua đi. Do đó, việc đón cơ hội cũng phải chuẩn bị từ trước chứ không chỉ là chuẩn bị để ứng phó với khó khăn.
Theo ông Lực, lái thuyền ra biển chưa gặp bão tưởng mình giỏi, nay có bão mà không bị rớt mới chứng tỏ được bản lĩnh. Kinh doanh phải theo kịp thời đại, cần tính toán đến câu chuyện công nghệ, vì vậy mà ông Lực đã sớm xây dựng tới 7 dây chuyền sản xuất bánh khác nhau, toàn bộ được áp dụng công nghệ 4.0, chỉ chờ cơ hội đến là nắm bắt đẩy mạnh sản xuất.
Từ thời điểm dịch Covid-19, xuất hiện ở Việt Nam người nông dân Việt đứng trước nguy cơ mất trắng vì nông sản không bán được. Ông Lực đã nghĩ ra công thức làm bánh mì thanh long, vừa tạo một sản phẩm mới, lạ để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng, vừa giúp người nông dân vượt qua khó khăn. Ông cũng chia sẻ rộng rãi công thức làm bánh thanh long để các đơn vị khác cùng nhau sản xuất một thứ mà ông gọi là văn hóa của Việt Nam. Sau dấu ấn bánh mì thanh long, thì nay ABC Bakery lại tiếp tục hành trình bánh trung thu thanh long và được người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ. Hiện ABC Bakery sử dụng 2,5 tấn thanh long mỗi ngày cho việc sản xuất các loại bánh tại hãng. Nhà làm bánh nổi tiếng này còn đưa sầu riêng 6 Ri vào các loại bánh của ABC Bakery.
Dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, đồng thời tác động khá toàn diện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã chuyển đổi trục sản phẩm, nắm bắt xu hướng để sản xuất và phân phối các sản phẩm trong mùa dịch. Hàng loạt công ty bảo hiểm lần lượt ra mắt các gói bảo hiểm Corona, nhiều hãng dược tập trung sản xuất vitamin, nhiều hãng thời trang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, hãng mỹ phẩm thì đẩy mạnh sản xuất nước rửa tay sát khuẩn, DN sản xuất cơ khí sản xuất máy khử trùng tự động…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dịch Covid-19 được xem là phép thử, bởi tương lai có thể xuất hiện nhiều biến động với những ảnh hưởng lớn hơn trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đang ngày càng gắn kết, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Lúc này, các DN sẽ có khoảng thời gian bình tĩnh, chậm lại để tìm các giải pháp phù hợp nhất, đưa ra các sáng kiến liên quan đến quy trình vận hành, suy nghĩ về việc tạo khả năng thích ứng với điều kiện mới cho mô hình kinh doanh của mình. Việc bình tĩnh để suy xét và đưa ra các khả năng thích ứng với tình hình mới sẽ là con đường dẫn đến sự phát triển bền vững của các DN trong tương lai.
Theo GS-TS Phạm Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), các DN, tổ chức cần liên tục tạo môi trường để DN và người lao động có thể sáng tạo, thích nghi với những hoàn cảnh mới. Những thay đổi mang tính khó dự đoán của thế giới, đòi hỏi khả năng thích ứng ngày càng cao của cả các DN và cá nhân. Nói đến tình hình hậu dịch Covid-19, Chủ tịch AVSE Global đề cập đến 3 xu hướng phát triển lớn ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thứ nhất là xu hướng phát triển các lĩnh vực gắn chặt với đổi mới sáng tạo trong công nghệ, đặc biệt các nền tảng để kết nối làm việc từ xa. Hai là xu hướng liên quan đến phát triển nguồn hàng gắn với sản xuất. Theo đó, phạm vi sẽ co hẹp lại theo hướng nguồn hàng và các DN sản xuất, chế biến rất gần với nhau. Điều này khiến các quốc gia quan tâm hơn đến thị trường nội địa, thay vì chú trọng quá nhiều vào hàng nhập khẩu khi hiệu quả tăng, lợi ích người tiêu dùng được đảm bảo mà lại giảm được chi phí. Ba là xu thế phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới để ứng phó với sự thay đổi của khí hậu. Theo đó, các ngành nghề có hàm lượng khả năng thích ứng với chống biến đổi khí hậu sẽ trở thành các ngành nghề có tính thời thượng. Nhu cầu lớn giúp nền kinh tế ngày một xanh và bền vững hơn. Đó là xu hướng phát triển mô hình kinh tế hướng đến cân đối giữa môi trường kinh tế - xã hội, một mô hình bền vững mà tất cả chủ thể trong nền kinh tế đều có thể hưởng lợi. |