Ngày 6-4, tại buổi tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” do Báo Hải quan tổ chức, một số doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị miễn hoặc giảm phí hạ tầng cảng biển (áp dụng từ ngày 1-4), góp phần giảm gánh nặng và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, chi phí logistics (vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan) ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm trong nước. So với Thái Lan chi phí này chỉ chiếm 19%, Malaysia 13%, Singapore 8%, Mỹ 9,9%… Điều này cho thấy chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới, gây trở ngại cho sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Việc thu phí đường thủy nội địa là bất hợp lý. Bởi thực tế nhiều phương tiện vận tải thủy đi từ miền Tây về miền Đông, đi các nước bạn và chỉ trung chuyển tại TPHCM, có khi vận chuyển hàng ngay trên sông Sài Gòn, không cập cầu cảng nhưng vẫn phải đóng phí. Đối với cảng Hải Phòng cũng tương tự. Điều này vừa bất hợp lý, vừa đi ngược với chủ trương của Chính phủ là ưu tiên vận tải thủy để giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ”, ông Trần Việt Huy nêu rõ. |
Việt Nam sẽ có hãng bay chuyên chở hàng hóaÔng Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) thông tin, hãng hàng không IPP Air Cargo ra đời với mong muốn kéo giảm chi phí logistics, gia tăng lợi thế vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam với các nước trong khu vực… IPP Air Cargo (ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT) sẽ đưa hàng hóa đi khắp 22 sân bay của Việt Nam. Thống kê từ Cục hàng không cho thấy, thị trường hàng hóa quốc tế đến Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác, chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia. Nhu cầu vận chuyển tăng, trong khi nguồn cung hạn chế nên tác động mạnh đến giá cước vận chuyển. Cụ thể, có thời điểm giá cước tăng gấp 5-6 lần so với trước dịch Covid-19, như giá cước chuyển hàng từ châu Á đi Mỹ dao động từ 17-18USD/kg (trước đây chỉ 1-1,8USD/kg). Khi IPP Air Cargo chính thức đi vào hoạt động, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay, cước phí vận chuyển sẽ mềm hơn so với mặt bằng chung hiện nay, có lợi cho khách hàng. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo, chuyên vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không với số lượng máy bay khai thác năm đầu tiên là 5 chiếc, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 chiếc. Chủng loại gồm B737/B777/A330 và các loại máy bay tương đương. Mạng đường bay nội địa kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Pleiku), Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TPHCM; kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu. |