Quản lý rủi ro
Tín dụng năm 2018 có dấu hiệu siết chặt hơn so với năm 2017 nhưng vẫn tăng trưởng ở mức cao, 5 tháng đầu năm đạt gần 6% so với thời điểm cuối năm 2017. Tại địa bàn TPHCM, tín dụng tính đến đầu tháng 5-2018 đạt gần 1.855,8 ngàn tỷ đồng, tăng 16,82% so với cùng kỳ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, dự ước dư nợ tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước, giúp doanh nghiệp (DN) có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, chương trình kết nối ngân hàng - DN tại TPHCM đều được thực hiện tại các quận, huyện. Mới đây, UBND quận Thủ Đức và nhiều ngân hàng tại TPHCM đã tổ chức kết nối cho 52 DN và 2 hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với tổng số vốn giải ngân là 1.554 tỷ đồng. Trước đó, quận Bình Tân cũng phối hợp với NHNN chi nhánh TPHCM kết nối cho vay vốn ưu đãi giữa 4 ngân hàng thương mại và 64 DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận Bình Tân với tổng số tiền vay vốn ưu đãi là 1.366 tỷ đồng... Các địa phương cho biết, nhiều DN đã được vay vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Mặc dù vậy, không ít DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn phản ánh việc tiếp cận vốn ngân hàng còn khó. Trong khi đó, các ngân hàng lại cho biết, mặc dù luôn có chủ trương tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh nhưng do phải quản lý chặt rủi ro trong cho vay, kể cả cho vay sản xuất kinh doanh nên không phải DN nào cũng có thể tiếp cận dễ dàng vì các ngân hàng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, nhất là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh.
Lý giải vì sao ngân hàng đưa ra nhiều gói hỗ trợ lãi suất nhưng nhiều DN than khó tiếp cận vốn vay, lãnh đạo 1 ngân hàng thương mại tại TPHCM cho biết, có nhiều lý do. Trong đó, chủ yếu các DN khó vay tại ngân hàng là do công tác quản trị điều hành cũng như các báo cáo tài chính của các DNNVV vẫn còn nhiều vấn đề, chưa minh bạch rõ ràng.
Bên cạnh đó, vị này cũng nhìn nhận các chương trình cũng như cách thẩm định đánh giá dòng tiền, khả năng sản xuất kinh doanh tại DN, đặc biệt là các DNNVV của ngân hàng vẫn chưa hoàn thiện. Khả năng quản trị điều hành của các DNNVV chưa cao nên hiệu quả kinh doanh chưa lớn. “Chính vì thế, ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh dòng vốn tín dụng cho DNNVV cũng như DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên nhưng vẫn còn hạn chế, mới chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng”, vị này cho hay.
Nhiều gói tín dụng đặc thù
Để giải được bài toán khó trong tiếp cận nguồn vốn vay, theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cần phải gỡ bỏ những điểm nghẽn từ cả 2 phía là tổ chức tín dụng cũng như cộng đồng DN. Bên cạnh việc DN cần chủ động nắm bắt các thông tin, minh bạch về tài chính, phương án kinh doanh… theo đúng yêu cầu của các ngân hàng để có thể tiếp cận vốn tín dụng dễ hơn thì ngành ngân hàng cũng nên thiết kế các sản phẩm đặc thù đối với DN, xây dựng phương thức thẩm định phù hợp với DN.
Rõ ràng, nguồn vốn tín dụng ngân hàng được coi là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động của các DN, đặc biệt là khối DNNVV, được liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DN, hình thành cơ cấu vốn tối ưu và tập trung vốn sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh… Bên cạnh những chương trình lớn của Chính phủ, các ngân hàng hiện cũng đã chú trọng đến việc phát triển nhiều sản phẩm đặc thù, từ đó giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Cụ thể, Ngân hàng PVcomBank đang triển khai các gói cho vay với cơ chế linh hoạt, đáp ứng tối đa từng nhu cầu đặc thù của DN ở nhiều quy mô khác nhau.
Theo đó, ngân hàng này có sản phẩm PV Ready cho vay trung dài hạn đối với nhu cầu vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định cho các DN có doanh thu từ 10 - 15 tỷ đồng. Mới đây, PVBank cũng tăng hạn mức tín dụng lên 15 tỷ đồng/khách hàng cùng khoản tài trợ lên đến 90% giá trị của tài sản đảm bảo. Việc tiếp cận nguồn vốn lưu động ngắn hạn với thời gian vay lên tới 84 tháng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng đưa ra sản phẩm PVSupport với những ưu đãi đặc biệt cho nhóm DN có doanh thu từ 10 - 200 tỷ đồng/năm. Ngoài việc hỗ trợ DN giải quyết nhanh vấn đề bổ sung vốn kinh doanh, với PVSupport, khách hàng còn được hưởng những ưu đãi như: giá trị cấp hạn mức tín dụng (bao gồm cả phát hành bảo lãnh và thư tín dụng - L/C) tới 21 tỷ đồng/khách hàng; trong đó, cho vay không hoặc thiếu tài sản đảm bảo tới 7 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn phát hành bảo lãnh và cho vay tới 36 tháng, phát hành L/C 6 tháng.
“Thực tế cho thấy, việc tiếp cận vốn để nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh, giải quyết các vấn đề về dòng tiền, vốn lưu động, công nợ… luôn là một trong những khó khăn hàng đầu đối với DN, nhất là DN quy mô nhỏ hay siêu nhỏ - phân khúc chiếm tỷ trọng tới 85% - 90% trong số các DNNVV ở Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, PVcomBank đặc biệt lưu tâm xây dựng các sản phẩm chuyên biệt cho nhóm khách hàng này, để hỗ trợ và đồng hành cùng DN nhiều hơn”, lãnh đạo PVcomBank cho hay.
Tương tự, VPBank vừa đưa ra gói sản phẩm khá sáng tạo là cho vay thế chấp bằng hóa đơn VAT. Theo đó, để vay vốn theo hình thức này, DNNVV chỉ cần có hợp đồng kinh tế với đối tác uy tín và hóa đơn bán hàng VAT làm tài sản thế chấp. Sau khi thẩm định, DN sẽ được cấp hạn mức tín dụng lên tới 90% giá trị hóa đơn VAT và thời hạn cho vay lên tới 6 tháng. Nguồn vốn vay sẽ được giải ngân tối đa trong vòng 24 giờ làm việc, kể từ khi hồ sơ được phê duyệt.
Gói sản phẩm này ra đời xuất phát từ tình hình thực tế trong sản xuất kinh doanh và bán hàng của các DNNVV, đó là phải lo nguồn vốn ban đầu tương đối lớn, trong khi đối tác chỉ tạm ứng một phần nhỏ tổng giá trị trong hợp đồng nên thường không đủ để chi trả nguyên vật liệu đầu vào. Chưa kể, sau khi hoàn tất bàn giao đơn hàng thì còn phải chờ tối thiểu 30 ngày mới được thanh toán hết. Do đó, tình trạng bị “gối đầu vốn” là không tránh khỏi, ít nhiều ảnh hưởng đến “sức khỏe” của DN.
PVBank cho biết, gói giải pháp này dành cho DNNVV trên diện rộng, thay vì chỉ hướng tới phân khúc DNNVV cao cấp. Bên cạnh đó, VPBank còn linh hoạt triển khai với một số khách hàng đặc thù, giống như đã triển khai các sản phẩm trước đó, trên tinh thần tin tưởng vào uy tín cũng như năng lực của DN, chứ không chỉ cứng nhắc xem xét dựa trên bề mặt hồ sơ giấy tờ.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 60% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn. Tín dụng thời gian qua vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ việc các ngân hàng thương mại xây dựng riêng các gói tín dụng đặc thù cho từng đối tượng DN. Thông qua các gói tín dụng này, DNNVV cũng dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn vì các sản phẩm khá đa dạng, linh hoạt, thủ tục đơn giản.