Tại Việt Nam, lĩnh vực ẩm thực và đồ uống (F&B) là một trong những ngành có vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển. Theo công bố vào đầu năm nay của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị thị trường F&B Việt Nam trong năm 2023 dự kiến tăng 18% so với 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lĩnh vực này liên tục phải đối mặt với khó khăn khi sức cầu thị trường giảm. Cụ thể, theo khảo sát của Công ty cổ phần iPOS.vn về thị trường kinh doanh ẩm thực 2023 tại Việt Nam gần đây cho biết, có hơn 40,1% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm trong nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy thị trường F&B đang chứng kiến những cuộc rời đi lặng lẽ của các thương hiệu lớn tại khu vực đắt giá và TPHCM là minh chứng rõ ràng nhất. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt quán nổi tiếng ở khu vực trung tâm đã không còn hoạt động, trong đó Mellower Coffee - một hệ thống cà phê đặc sản Trung Quốc thông báo đóng cửa vĩnh viễn, hay cửa hàng McDonald’s (gần Bưu điện trung tâm TPHCM) cũng trả mặt bằng từ lâu nhưng vẫn chưa có cái tên nào thế chỗ…
Không chỉ vậy, nhiều thương hiệu trong ngành F&B cũng rơi vào khó khăn khi sức mua sụt giảm. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, các tháng đầu năm nay, nếu như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TPHCM tăng 1,9% so với cùng kỳ thì chỉ số IIP ngành chế biến lương thực, thực phẩm lại giảm nhẹ 1,4%. Dù mức giảm không lớn nhưng đây là tín hiệu không tốt vì 5 năm qua (kể cả 2 năm đại dịch Covid-19), chỉ số này không hề giảm. Lý giải lý do sụt giảm, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện người tiêu dùng không chỉ cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ, mà còn tiết kiệm trong mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu. Điều này đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Trước khó khăn của thị trường và để góp phần thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam đang phải có những giải pháp thích ứng. Chẳng hạn như The Coffee House - chuỗi cà phê quen thuộc trong ngành F&B Việt Nam và LG - tập đoàn thiết bị điện tử vừa bắt tay hợp tác triển khai “Chiến dịch Better Choice”. Đây là chiến dịch khá độc đáo khi hướng tới “xanh hóa” chuỗi ẩm thực từ nguồn nguyên liệu xanh đến vật dụng, bao bì xanh. Theo chia sẻ của The Coffee House, hai bên đã ra mắt bộ sưu tập “Trà xanh Tây Bắc” và từ nay cho đến tháng 12-2023, hàng loạt hoạt động sẽ được hai bên triển khai trên nhiều phương diện nhằm lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng.
Trong sản xuất, các doanh nghiệp nội địa như Cholimex, Bình Tây, VISSAN, ABC… lại đang chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất. Minh chứng là tại Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” được Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM vào ngày 13-9 vừa qua đã có tới hơn 10 trong tổng số 90 doanh nghiệp được trao danh hiệu là doanh nghiệp ngành F&B, số còn lại thuộc các lĩnh vực khác như bất động sản, dịch vụ, khách sạn…
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, để đạt được “Doanh nghiệp xanh”, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí như xử lý toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; có trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải hiện đại; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị; sản phẩm thân thiện môi trường; áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường... Nói như vậy để thấy, các doanh nghiệp đã chuyển mình từ trước và hiện tại đã phần nào đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng nâng cao của người tiêu dùng.
Theo các doanh nghiệp, kinh doanh F&B ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi thị trường nội địa với 100 triệu dân ở Việt Nam được đánh giá vô cùng tiềm năng nên ngoài sự tham gia của doanh nghiệp nội còn có nhiều doanh nghiệp ngoại. Vì thế, để tồn tại, doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh để tuân thủ “luật chơi” và đây cũng là cách thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh sức tiêu thụ của thị trường đang sụt giảm như hiện nay.