Doanh nghiệp Thái Lan thúc đẩy từ bỏ nhiên liệu hóa thạch

Các công ty và tập đoàn lớn của Thái Lan đang hợp tác phát triển kế hoạch nhằm đưa nước này thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, hướng tới năng lượng sạch cho phát triển bền vững.

Theo Kế hoạch phát triển điện (PDP) mới nhất của Thái Lan và kế hoạch sản xuất điện của Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT), năng lượng hydro sẽ được sử dụng để sản xuất điện bắt đầu từ năm 2030. PDP mới nhấn mạnh đến tỷ lệ năng lượng tái tạo cao hơn ở mức 51%, chủ yếu là năng lượng mặt trời, với 40% đến từ khí đốt tự nhiên và 5% từ hydro. Đến giai đoạn cuối của kế hoạch, các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR) có công suất 600MW sẽ được đưa vào sử dụng như một lựa chọn.

E12A.jpg
Hydro, nguồn năng lượng được kỳ vọng giúp Thái Lan thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: THE NATION

Ông Wattanapong Kurovat, Giám đốc Văn phòng Chính sách và kế hoạch năng lượng (EPPO) thuộc Bộ Năng lượng Thái Lan, cho biết, EPPO có kế hoạch chuyển đổi dần sang khí đốt tự nhiên làm nguồn năng lượng chính. Tuy nhiên, theo ông Kurovat, thách thức của kế hoạch này nằm ở việc đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng chi trả.

Ông Chaiwat Kovavisarach, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí và năng lượng Bangchak, lưu ý rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi năng lượng rất lớn, tác động đến các nguồn tài nguyên toàn cầu như nước và năng lượng. Điều này có thể làm tăng sự phụ thuộc vào các nhà máy điện khí đốt tự nhiên và hạt nhân sử dụng SMR làm nguồn năng lượng thay thế. Nhu cầu năng lượng và xử lý AI hiện dao động từ 300-1.000MW và dự kiến sẽ tăng vọt lên 5GW trong tương lai, tương đương với năng lượng mà 100 nhà máy lọc dầu Bangchak cần. Điều này nhấn mạnh nhu cầu về các nguồn năng lượng mới để hỗ trợ việc sử dụng AI.

Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn năng lượng PTT Kongkrapan Intarajang, PTT đặt mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng nhiên liệu hydro ở Thái Lan và thúc đẩy các dự án thu hồi và lưu trữ carbon (CCS). Là nguồn năng lượng sạch, hydro sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải CO2 và hỗ trợ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Thái Lan vào năm 2065. Công nghệ CCS cũng rất quan trọng đối với các nỗ lực giảm phát thải carbon trong tương lai.

Trong khi đó, EGAT đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng SMR để đảm bảo sự ổn định của lưới điện. Tổng Giám đốc EGAT Thepparat Theppitak giải thích rằng, các nhà máy SMR hoạt động 24/7, không thải ra CO2 và cung cấp chi phí điện cạnh tranh do giá thấp, dồi dào và sử dụng ít nhiên liệu uranium. Cơ quan này cũng theo dõi chặt chẽ sự phát triển của công nghệ SMR ở các quốc gia như Mỹ, Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc để xác định công nghệ phù hợp nhất cho Thái Lan.

Về phần mình, ông Akira Takahashi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mitsubishi Power (Thái Lan) và MHI Power Project (Thái Lan), tin tưởng rằng năng lượng hydro sạch mang đến một giải pháp bền vững. Điện dư thừa từ các nguồn tái tạo không liên tục như năng lượng mặt trời và gió có thể được chuyển đổi thành hydro sạch, tăng cường sự ổn định của lưới điện và tích hợp năng lượng tái tạo…

Tin cùng chuyên mục