
Sự kiện thu hút sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp hai nước, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường Halal tiềm năng. Phát biểu khai mạc, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, nhấn mạnh bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, xuất khẩu Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức từ hàng rào kỹ thuật, bảo hộ thương mại và nhu cầu thế giới sụt giảm. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là khai thác thị trường Halal – nơi đang tăng trưởng mạnh, là hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp Việt.
Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Indonesia quý I-2025 đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 1,4 tỷ USD. Đặc biệt, tổng giá trị thương mại giữa TPHCM và Indonesia năm 2024 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 23% so với 2023, cho thấy tiềm năng mở rộng hợp tác rất lớn.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM nhận định, ngành công nghiệp Halal đang mở ra những cơ hội to lớn. Dự báo đến năm 2030, quy mô chi tiêu toàn cầu cho sản phẩm Halal sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD. Halal không chỉ giới hạn trong thực phẩm, đồ uống mà còn mở rộng sang mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang, du lịch và dịch vụ tài chính. Với hơn 280 triệu dân, phần lớn theo đạo Hồi, Indonesia hiện là thị trường Halal lớn nhất thế giới – điểm đến đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, để chinh phục thị trường này, doanh nghiệp cần hiểu rõ và tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Văn phòng Chứng nhận Halal (HCA), cho biết Indonesia yêu cầu hầu hết sản phẩm nhập khẩu phải có chứng nhận Halal của Cơ quan Bảo đảm Sản phẩm Halal Indonesia (BPJPH). Những sản phẩm không đạt chuẩn sẽ phải ghi nhãn “Non-Halal” rõ ràng.
Quy trình cấp chứng nhận bao gồm việc kiểm tra hồ sơ, đánh giá thực tế, tuân thủ Tiêu chuẩn SJPH số 20/2023 và đăng ký trên hệ thống SIHALAL. Logo Halal phải được in rõ trên bao bì theo quy định. Lộ trình bắt buộc dán nhãn Halal dự kiến sẽ hoàn thiện trước ngày 17-10-2026. Đây là rào cản kỹ thuật đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ để đảm bảo việc thâm nhập suôn sẻ vào thị trường Indonesia.
Ngoài các tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Agustaviano Sofjan còn đề xuất ba hướng tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và kỹ thuật trong chứng nhận Halal, đẩy mạnh liên doanh đầu tư vào lĩnh vực Halal (chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, du lịch), và khuyến khích doanh nghiệp hai nước tham gia triển lãm thương mại Halal quốc tế, như Halal Indo 2025 sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây.
Ông Trần Phú Lữ cho biết, ITPC cam kết tiếp tục đóng vai trò kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố khai thác các thị trường giàu tiềm năng, đặc biệt là thị trường Halal. Hội thảo lần này cũng cụ thể hóa định hướng hợp tác sau khi Việt Nam và Indonesia chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào ngày 10-3-2025, tạo tiền đề thúc đẩy giao thương và đầu tư song phương.