Trong đó, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng trưởng gấp nhiều lần so với ngày thường, đặc biệt có những mặt hàng chỉ được tiêu thụ mạnh trong mùa cuối năm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đều sớm lên kế hoạch sản xuất phục vụ cho mùa cuối năm ngay từ giữa năm. Sản lượng sản xuất tập trung hết công suất cho giai đoạn kinh doanh này.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết vào quý 4 hàng năm, đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho đợt mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán. Tổng giá trị hàng hóa Vissan chuẩn bị phục vụ mùa Tết 2019 này là 800 tỷ đồng. Trong đó, thực phẩm tươi sống đạt mức 3.200 tấn, thực phẩm chế biến đạt 2.800 tấn.
Năm nay, Vissan đã tăng sản lượng thực phẩm từ 15% - 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giới thiệu 13 sản phẩm mới đến người tiêu dùng trên cả nước. Là đơn vị chủ lực tham gia chương trình bình ổn giá thị trường trong những năm đầu triển khai, đến nay Vissan đã đi đầu trong việc cung cấp thực phẩm cho thành phố với nguồn hàng chất lượng an toàn, giá thấp hơn thị trường 10%. Điều này đã góp phần chia sẻ khó khăn với những người thu nhập thấp, bảo đảm an sinh xã hội và phát huy tinh thần “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Hàng hóa của các doanh nghiệp được đưa ra thị trường qua nhiều kênh tiêu thụ, từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến các chợ, cửa hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến… Trong đó, hệ thống điểm bán hàng bình ổn đang góp phần hỗ trợ người tiêu dùng trong việc ổn định giá cả thị trường.
Tính đến nay, TPHCM có 10.817 điểm bán hàng bình ổn, tăng 513 điểm bán so với năm 2017. Riêng chương trình lương thực - thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán tại 131 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư; trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành; 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.