Ngày 7-5, Anphabe cung cấp các phân tích nhân sự xoay quanh chủ đề: Giải mã Gen Z - Thế hệ siêu đột phá hay "Kẻ gây rối"?
Năm 2020 là thời điểm mà những người đầu tiên thuộc thế hệ Z (những bạn trẻ sinh từ năm 1996 đến 2010), bắt đầu tốt nghiệp, đi làm. Đây là thế hệ rất mới, những người lao động trẻ chuẩn bị gia nhập thị trường lao động và sẽ nhanh chóng chiếm ¼ lực lượng lao động trong tương lai gần. Thế hệ Z, Gen Z, hay còn gọi là thế hệ thiên kỷ, i-gen (từ lúc sinh ra đã có thể sở hữu một sản phẩm bắt đầu bằng chữ I như ipod, ipad, iphone...), thế hệ đa màn hình (có thể vừa nghe nhạc, vừa chơi game, vừa mua đồ trực tuyến...), hay thế hệ Tắc kè hoa, bởi sự đa sắc màu trong tính cách cũng như phương thức sống, học tập và làm việc.
Tự làm chủ bản thân
Để phác thảo nguồn nhân lực trẻ và hiện đại, Anphabe thảo luận chuyên sâu với gần 25.000 bạn trẻ Gen Z từ 93 trường đại học trong toàn quốc. Qua đó, ghi nhận nhiều thực tế “gây sốc”, đồng thời là những “điểm mù” của doanh nghiệp trong chiến lược nhân tài trẻ - thu hút và giữ chân người lao động thế hệ Z.
Điểm “sốc” đầu tiên là thế hệ Z quá độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân, thích tự đạo diễn cuộc đời mình và vì thế, doanh nghiệp mất vai trò định hướng. Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì.
Xét về yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp của Gen Z, ngạc nhiên thay, họ chủ yếu chỉ dựa vào sở thích và năng lực cá nhân, cao hơn nhiều số với tác động từ yếu tố gia đình và xã hội (như xu hướng chung, điều kiện kinh tế hay lời khuyên của bố mẹ, bạn bè). Vai trò của nhà trường và nhà tuyển dụng trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp là rất thấp.
“Thế hệ trẻ với mong muốn "tự làm chủ bản thân" sẽ có thể cho các doanh nghiệp “ra rìa" vì vai trò mờ nhạt trong việc giúp họ định hướng nghề nghiệp. Doanh nghiệp gần như không còn khả năng định hướng với thế hệ lao động quá trẻ này, thực tế này gây sốc cho nhà tuyển dụng”, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe chia sẻ.
Điểm gây "sốc" nữa với doanh nghiệp là Gen Z có mong muốn nghề nghiệp rõ ràng và rất nhiều doanh nghiệp đã “lọt" khỏi danh sách mong muốn đó. Thay vì tốt nghiệp, ra trường, chọn doanh nghiệp để làm việc, thế hệ Z lại mê khởi nghiệp, thích tự do và hướng về xã hội, Gen Z mong muốn những lựa chọn nghề nghiệp vô cùng "mở" sau khi tốt nghiệp: 34% sinh viên Gen Z sẵn sàng đầu quân cho các công ty Start-up hoặc tự kinh doanh riêng; 8% các bạn cho rằng “chẳng cần đi làm công ty, làm freelance cũng tốt"; 14% thích làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận, thể hiện khuynh hướng rõ ràng của các “nhà hoạt động xã hội tương lai”.
Trong lựa chọn nghề nghiệp, giới trẻ có sự thay đổi lớn so với các thế hệ có quan niệm truyền thống “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”. Giờ đây, Gen Z cởi mở với vô vàn lựa chọn nghề nghiệp không liên quan gì đến ngành học. Quảng cáo, truyền thông và giải trí hiện đang chiếm “ngôi vương" trong những ngành hấp dẫn nhất với sinh viên tất cả ngành học, kể cả những ngành như IT hay Kỹ thuật. Kế đó là ngành Âm thực - Nghỉ dưỡng, nằm trong top 5 điểm đến hấp dẫn của 7/10 nhóm sinh viên tại các nhóm ngành.
"Coi Internet là chân lý"
Với Gen Z, "Internet là chân lý". Trong khi đó, sự hiện diện online của các doanh nghiệp đang là rất hạn chế. Với đặc trưng của một công dân Internet, Gen Z được xem là “chuyên gia săn lùng sự thật”.
Bởi vì “không biết thì hỏi Google, chưa rõ thì tra Youtube”, khi lựa chọn công ty, Gen Z sẽ tự tìm kiếm và đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào thông tin trên mạng và đánh giá của cộng đồng, cao hơn rất nhiều so với tư vấn từ bạn bè, anh chị đi trước hay người thân bên cạnh. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không hiện hữu và xây dựng được "quyền lực online" thì khả năng tác động tới thế hệ Z của doanh nghiệp sẽ rất giới hạn.
Về bất đồng nhất trong “thước đo năng lực” mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì Gen Z đang có và cần, khi đo lường trên khung năng lực mà các doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải có khi đi làm, chỉ dưới 50% sinh viên Gen Z thực sự tự tin theo tất cả các tiêu chí từ kỹ năng quản lý bản thân, tương tác, kiến thức căn bản và chuyên môn cho đến kỹ năng quản lý đội nhóm.
Một khảo sát của LinkedIn cũng tiết lộ nghịch lý: “Có đến 76% Gen Z cho rằng những kỹ năng cần thiết trong tương lai rất khác so với những gì mà các nhà tuyển dụng đang vẽ ra”.
Thực tế gây "sốc" này cho thấy tình trạng "đồng sàng dị mộng", trong khi doanh nghiệp yêu cầu một đằng, Gen Z tự tin một nẻo. Rõ ràng, có một khoảng cách lớn giữa “thước đo năng lực” mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì gen Z đang có và nghĩ rằng họ cần.
Với những thách thức như trên, chắc chắn sẽ có những khó chịu về cách quản lý, xung đột trong kiến thức, văn hóa cho đến cách thức hợp tác và nhiều thực tế gây sốc hơn.
“Khi không thể thay đổi được những yếu tố bất định bên ngoài, điều chúng ta có thể làm là thay đổi chính mình và chuyển hóa doanh nghiệp để trở nên sẵn sàng đối phó với bất định. Và Gen Z từ những đứa trẻ phá bĩnh có thể sẽ trở thành những hạt nhân thay đổi, từ yếu tố gây rối sẽ trở thành lực đẩy cho chuyển hóa cách thức làm việc hiện đại, từ kẻ thách thức trở thành những người đồng sáng tạo cho một văn hóa doanh nghiệp đa màu sắc”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.
* Cùng ngày, Anphabe chính thức công bố Top 50 Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất với sinh viên Việt Nam 2020. Khảo sát được thực hiện với hơn 23.200 sinh viên thuộc 10 khối ngành đến từ 93 trường đại học lớn trên toàn quốc.
Theo đó, Top 50 Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất với sinh viên Việt Nam năm 2020 tập hợp nhiều tên tuổi lớn thuộc cả khối doanh nghiệp trong và ngoài nước như: VINAMILK, Coca-Cola Việt Nam, Nestlé Việt Nam, INSEE Việt Nam, Abbott Laboratories S.A, Maersk Việt Nam…
Xếp theo từng ngành, Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất với sinh viên Việt Nam 2020 là: Tập đoàn FPT (ngành công nghệ thông tin), Samsung Vina Electronics (ngành điện - điện tử - viễn thông - tự động hóa), Công ty cổ phần xây dựng COTECCONS (ngành kiến trúc - thiết kế -xây dựng), Vietcombank (ngành tài chính - ngân hàng - kế toán), Unilever Việt Nam (ngành khoa học xã hội - nhân văn và ngành kinh tế - quản trị - thương mại)…
Cùng với đó, Anphabe phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM (SAC) ra mắt tuyển tập: Cẩm nang sinh viên lần đầu đi làm, trang bị bí quyết hữu ích giúp các bạn sinh viên tự tin hơn trên hành trình lần đầu bước chân vào chốn công sở. Cẩm nang sẽ được gửi tặng miễn phí đến hơn 400.000 sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.