Mong sớm có vaccine
Những ngày qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lo ngại ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, Ban giám đốc Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM, TP Thủ Đức) đã kích hoạt nhiều biện pháp phòng chống dịch. Ngoài phân luồng đo thân nhiệt, kiểm tra việc đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, công ty cũng đưa vào sử dụng máy đo thân nhiệt tự động trước khu vực xưởng. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện lắp vách ngăn tại nhà ăn, giảm 50% số lượng công nhân ăn giữa ca, đảm bảo giãn cách. Công ty cũng thành lập phòng y tế dã chiến phục vụ việc cách ly nếu phát hiện công nhân nghi mắc Covid-19.
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, hiện công ty có khoảng 6.000 NLĐ, trong đó có 2.600 NLĐ chính thức. Việc xét nghiệm tầm soát Covid-19 chỉ là giải pháp tạm thời. Căn cơ vẫn là tiêm vaccine, bởi với chủng mới, Covid-19 lây qua đường không khí nên khả năng lây truyền rất nhanh. Với số lượng NLĐ làm việc tại các KCX-KCN khá cao, lại sống ở nhà trọ, nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn; ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống NLĐ. Ông Hồng cho biết vì lo lắng sự lây lan Covid-19 trong NLĐ, những ngày qua, bằng các mối quan hệ của mình, công ty có liên hệ nhiều nơi, đặt mua vaccine... Do đó, nếu được ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ, công ty sẵn sàng trích ngân sách trang trải kinh phí thực hiện.
Với mong muốn chung tay cùng Chính phủ, nhiều DN cho biết sẵn sàng chi trả kinh phí mua vaccine. Theo đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), dệt may là ngành sử dụng trên 2,5 triệu NLĐ cả nước; riêng Vinatex có hơn 150.000 NLĐ. Hầu hết các DN trong ngành đều sẵn sàng chịu mọi chi phí để NLĐ được tiêm vaccine. Vinatex mong trong đợt đầu, Chính phủ có thể ưu tiên tiêm vaccine cho tất cả NLĐ trực tiếp sản xuất của tập đoàn.
Là đơn vị sản xuất thực phẩm thiết yếu hàng ngày, Công ty CP Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc) đã áp dụng nhiều biện pháp an toàn phòng chống dịch, kể cả cho NLĐ khối sản xuất làm lệch giờ, luân phiên. Dù vậy, công ty vẫn rất trông chờ nguồn vaccine đủ chất lượng tiêm cho NLĐ trực tiếp sản xuất và rất đồng thuận việc đóng góp kinh phí mua vaccine.
Kết nối nơi nào để có vaccine?
Thời gian qua, khi một số ca mắc Covid-19 xuất hiện ở DN, nhiều NLĐ và lãnh đạo DN rất lo lắng cho tình hình sản xuất của đơn vị. Ngày 2-6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 DN được cấp phép nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển vaccine tại Việt Nam. Chính phủ cũng chỉ đạo không để bất kỳ DN hay tổ chức nào có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không thể mua về. Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện để khi DN, hiệp hội DN tìm được nguồn vaccine (được Tổ chức Y tế thế giới phê chuẩn) thì việc xem xét hồ sơ hợp pháp, hợp lệ chỉ kéo dài 5 ngày.
Nhiều DN cho biết đã tiếp cận được nguồn cung cấp vaccine. Tuy nhiên để mua về nước và tiêm cho NLĐ thì cần có sự hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn của ngành y tế. DN cũng băn khoăn là không biết kết nối với ai, nơi nào để đăng ký mua vaccine.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, việc tiêm vaccine cho NLĐ, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, hết sức cần thiết hiện nay. Chỉ khi được tiêm vaccine, NLĐ mới thật sự yên tâm làm việc, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh của DN, chung tay cùng cả nước đảm bảo mục tiêu kép của Đảng, Nhà nước. LĐLĐ TPHCM đã có công văn vận động DN dành kinh phí mua vaccine cho NLĐ tại đơn vị của mình. “Ngay từ bây giờ, DN hãy chuẩn bị chi phí để khi có nguồn vaccine sẽ sử dụng ngay. Chính phủ đã chỉ đạo tiêm vaccine cho công nhân các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Khi có nguồn tiếp theo, sẽ ưu tiên tiêm cho NLĐ ở Hà Nội và TPHCM, những địa phương có đông công nhân làm việc trong KCX-KCN”, ông Hồ Xuân Lâm thông tin và khuyến cáo DN nên chờ hướng dẫn cụ thể việc mua vaccine. Vì tất cả quy trình mua, tiêm vaccine phải tuân thủ quy định và sự điều hành của Chính phủ cùng ngành y tế.
“Công ty tôi có hơn 7.000 NLĐ làm trong ngành may mặc. Chúng tôi có thể chi trả chi phí tiêm vaccine để mọi người an tâm sản xuất. Nhưng hiện chưa có công văn nào hướng dẫn chúng tôi sẽ đóng góp bao nhiêu chi phí thì đủ. Chúng tôi phải chờ đến khi nào?”, đại diện một DN ngành may mặc tại KCN Tân Bình cho biết. |